'Không cứng nhắc duy trì xuất khẩu gạo ĐBSCL với số lượng lớn'

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng không nên cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống.

Thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững tại ĐBSCL ngày một lớn.

Thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững tại ĐBSCL ngày một lớn.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, khu vực này đã có những bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững cũng ngày một lớn hơn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2016 – 2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm; đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và chiếm 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL.

Năm 2018, khu vực này đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực ĐBSCL đạt 8,43 tỷ USD, chiếm hơn 73% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Tại đây, nông nghiệp đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản; cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản và trái cây, giảm lúa. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ trọng giá trị sản xuất lúa gạo trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 27,7% xuống 26,4%; giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 35,4% lên 42%; giá trị sản xuất ngành trái cây tăng từ 9,1% lên 10,2%.

Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Hệ thống thủy lợi giúp đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ Đông Xuân - Hè Thu, đồng thời chú trọng phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất thủy sản và cây trồng cạn.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho rằng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn chậm; sản xuất nhỏ, phân tán chưa được khắc phục triệt để; liên kết, hợp tác sản xuất giữa các chủ thể để hình thành các chuỗi giá trị chưa nhiều.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa.

Năng lực thích ứng BĐKH và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện nhiều. Các mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với BĐKH chưa có đủ cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng mô hình. Các hệ lụy về môi trường ngày càng rõ, làm tăng tính dễ bị tổn thương.

Kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Việc làm phi nông nghiệp thiếu bền vững; tỷ lệ di cư ra khỏi vùng cao và phần lớn đi vào khu vực phi chính thức.

Trong khi đó, các nguyên nhân chính của những tồn tại trên đến từ việc quá trình xây dựng và triển khai chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các cấp, các ngành nói chung còn thiếu đồng bộ và chậm so với thực tế thay đổi nhanh chóng về thị trường, biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn và nội tại của ĐBSCL.

Ngoài ra, công nghiệp, dịch vụ, giao thông, logistics chưa hỗ trợ hiệu quả cho phát triển nông nghiệp hàng hóa; Công tác thu hút đầu tư, tạo lập và phát triển các chuỗi giá trị nông sản gắn với phát triển, mở rộng thị trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn; Trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN còn hạn chế; Công tác dự báo diễn biến và tác động của BĐKH, hoạt động thượng nguồn, ảnh hưởng của thiên tai chưa đồng bộ, có lúc chưa kịp thời.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản và trái cây, giảm lúa.

Ngành nông nghiệp ĐBSCL đến năm 2030

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng về lúa gạo, không nên cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước.

Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220 - 300 nghìn ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1, 2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản. Tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn.

Về trái cây, phát triển theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao, với 10 loại trái cây như xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm.

Đến 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200 nghìn ha, đưa tổng diện tích trái cây lên khoảng 680 nghìn ha. Thúc đẩy cải tạo vườn tạp trái cây và dừa, đa dạng hóa hệ thống canh tác , nghiên cứu làm chủ nguồn giống các loại chủ lực, nhất là giống chịu mặn.

Về thủy sản, đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300 nghìn ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái). Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến thủy sản. Chủ động sản xuất và cung cấp đủ giống tôm, cá tra chất lượng cao cho thị trường.

Ngoài ra, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển du lịch, gắn với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học. Thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ hỗ trợ. Đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

Nhã Nam

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khong-cung-nhac-duy-tri-xuat-khau-gao-dbscl-voi-so-luong-lon-1560846124974.htm