Không công bằng cho hạt gạo Việt

Phát biểu mới đây của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An '90% người Việt Nam ăn gạo bẩn' vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia nói rằng đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt trong bối cảnh hiện nay.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng điều này còn làm vấy bẩn vào ngành lúa gạo nói riêng và ngành hàng nông sản Việt nói chung vốn đang đổ nhiều “công sức” hướng theo sản xuất sạch để nâng sức cạnh tranh trên “sân nhà” và thị trường quốc tế.

Xóa tan định kiến về nông sản “bẩn”

Mặc dù sau đó ông Bình có giải thích rằng ông nói gạo “bẩn” là nói theo tiêu chuẩn sạch trên thế giới phải đạt từ VietGAP, GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic, còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn, tức là “bẩn”.

Thậm chí, vị tổng giám đốc này còn nói rằng trong 4,5 triệu ha đất trồng lúa của cả nước hiện tại chưa có 400 nghìn ha diện tích trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn.

Gạo sạch chất lượng cao của một DN Việt vừa xuất khẩu vào thị trường EU.

Gạo sạch chất lượng cao của một DN Việt vừa xuất khẩu vào thị trường EU.

Tuy nhiên, những giải thích này vẫn không đủ để nguôi ngoai sự phản đối của dư luận. Bởi vì phát ngôn chủ quan như vậy không chỉ vấy bẩn ngành gạo nói riêng mà còn cho cả ngành hàng nông sản Việt nói chung. Nhất là khi ngành nông sản Việt đang cố gắng xây dựng hình ảnh xuất khẩu (XK) nông sản sạch, chất lượng cao ra thị trường thế giới.

Về phía lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã khẳng định, phát biểu của ông Bình là không chính xác khi mà ngành lúa gạo Việt Nam thời gian qua có sự tiến bộ rất vượt bậc.

Còn ở góc độ chủ một DN đang phát triển những thương hiệu gạo Việt ngon hàng đầu thế giới, ông Hồ Quang Cua cho biết hiện số đăng ký để làm gạo Global Gap, VietGap chỉ chiếm 1% diện tích, cho nên nếu nói như vậy thì khác nào nói 99% gạo là...bẩn ? Trong khi đó, XK gạo của Việt Nam đi các nước rất nhiều. Vậy với 90% gạo bẩn như thế thì Việt Nam lấy gạo ở đâu để XK ?

Ngay cả ở diễn đàn gần đây bàn về XK nông sản tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định một trong những điều kiện tiên quyết để nông sản Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU là phải sản xuất sạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Khi trao đổi với ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An quanh việc XK gạo sạch và chất lượng cao vào EU, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ sự ủng hộ hướng đi đúng của doanh nghiệp (DN) này.

Ông Cường còn “khoe” với ông Bình là ông phát hiện có 1.000ha ở gần vùng nguyên liệu của Công ty Trung An, giữa là một rừng cò cực đẹp, nếu chỗ này xây dựng thành một thương hiệu tiêu chuẩn gạo sạch, chất lượng cao để XK đi châuÂu sẽ rất nổi tiếng.

Nỗ lực nâng tầm nông sản Việt

Nói ra để thấy rằng con đường hướng đến gạo sạch và nông sản sạch đang có sự thống nhất lớn từ phía cơ quan quản lý cho đến phía DN, và tiếp đến là phía nông hộ.

Và lẽ đương nhiên, trong bối cảnh như vậy, phát biểu của ông Bình về việc người Việt ăn gạo bẩn do chính mình sản xuất đang vấp phải những phản ứng trái chiều từ giới DN, chuyên gia, cơ quan quản lý là khó tránh khỏi.

Ở góc độ DN sản xuất gạo sạch, ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), chia sẻ bản thân công ty xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm gạo đạt chứng nhận quốc tế FSSC về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Điển hình như việc DN được chứng nhận FSSC 22000 có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam tiến tới thị trường EU. Bởi đây là một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn diện được thiết lập dựa trên sự kết hợp hai chứng chỉ ISO 22000 và PAS 220, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất để tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ.

Từ đó cho thấy nỗ lực nâng tầm nền sản xuất gạo sạch của DN Việt. Không những vậy, thời gian qua, 8 tỉnh ở “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã và đang tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đảm bảo bởi quy trình canh tác thâm canh lúa tiên tiến theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, VietGAP và cao hơn nữa là GlobalGAP.

Không chỉ có những thay đổi theo hướng sản xuất sạch với ngành hàng lúa gạo, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xét về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản thì ở trong nước hiện có 1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số XK. Bên cạnh đó, còn có 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi XK đi các thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết ngành hàng nông sản Việt vẫn đang đẩy mạnh việc áp dụng quy trình sản xuất sạch và tiên tiến. Cụ thể là quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa (VietGap, GlobalGap) đang được nhân rộng.

Theo giới chuyên gia, thực trạng và hình ảnh sản xuất sạch của ngành hàng lúa gạo nói riêng hay nông sản Việt nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục có những thay đổi cơ bản, xóa tan định kiến về nông sản “bẩn”. Các biện pháp giám sát quy trình canh tác sạch, tiêu chuẩn bền vững sẽ trở nên phổ biến.

Không những vậy, còn có những dự báo lạc quan là Việt Nam sẽ thuộc nhóm 10-20% các nước đang phát triển đứng đầu về tỷ trọng các sản phẩm nông nghiệp XK, có chứng chỉ hoặc được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, những phát ngôn chủ quan như “gạo bẩn” là khó chấp nhận trong lúc này.

Theo Thế Vinh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/khong-cong-bang-cho-hat-gao-viet/20200908031651224