Không còn 'trên nóng, dưới lạnh'

Mở đầu là TP Hà Nội, gần đây nhất là các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên… đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Có thể nói rằng, với bước tiến mới này, các cấp ủy, chính quyền địa phương không thể ngoài cuộc trong việc kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa những vi phạm, tiêu cực của chính địa phương mình.

Tạo sự liền mạch, đồng bộ

Sau khi Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa Nghị quyết; tiếp theo đó, nhiều địa phương đã và đang thành lập Ban Chỉ đạo theo đúng tinh thần của đề án.

Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Nhật Bắc

Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Nhật Bắc

Như nhiều ý kiến đã nhận định, đây là một trong những giải pháp căn cơ và hữu hiệu để khắc phục triệt để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, bởi không có giải pháp nào nhanh hơn, tốt hơn để chấm dứt tình trạng này bằng việc giải quyết vấn đề tại chỗ.

Các chuyên gia cho rằng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc đòi hỏi sự thống nhất từ T.Ư đến địa phương, cho nên thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo T.Ư, đồng thời sát với yêu cầu, thực tiễn của từng địa phương, tạo ra một bước tiến rất quan trọng, đưa cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực lên một tầng nấc mới theo đúng tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là các cơ quan chuyên trách, công tác PCTNTC ngày càng bài bản, khoa học, hiệu quả hơn. Hàng nghìn vụ án lớn được đưa ra xét xử, hàng nghìn cán bộ các cấp, trong đó không ít những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý bị kỷ luật, bị xét xử. PCTN thực sự đã “không còn vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, ai vi phạm đều bị xử lý đúng người đúng tội.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, đã có 113 cán bộ diện T.Ư quản lý bị xử lý. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, cũng đã có gần 50 cán bộ diện T.Ư quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 10 cán bộ bị khởi tố. Điều đó góp phần quan trọng vào việc từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, củng cố niềm tin của người dân.

Nếu ở cấp T.Ư, các chỉ đạo, giải pháp để PCTNTC được làm rất quyết liệt, ở cấp địa phương cũng có những bước chuyển mình, việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng đã được chú trọng hơn. Tuy nhiên, nhưng thực tế cũng vô cùng khó khăn bởi việc phát hiện ở địa phương, cơ sở rất ít; một số nơi chưa thực sự hiệu quả, quyết liệt.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), công tác PCTNTC ở một số địa phương thời gian qua chưa có sự chuyển biến rõ nét, việc tự phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là rất ít, chủ yếu do cơ quan T.Ư phát hiện, chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung lực lượng mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm yêu cầu xử lý. Trong khi đó, từ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, điều tra, xử lý ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn.

Bởi thế, với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với sự phân cấp, phân quyền, cơ chế rõ ràng, phù hợp là rất cần thiết. Nói cách khác là đã đến lúc phải có “bộ chỉ huy” ở địa phương, có sự phối hợp theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, các cấp ủy địa phương dù muốn dù không vẫn phải thực sự vào cuộc. Để bám sát với thực tế ở từng địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo T.Ư, để không còn xảy ra tình trạng bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm, tiêu cực.

Khi nói về mô hình này, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học đã nhấn mạnh, sắp tới, Ban Chỉ đạo ở cấp T.Ư không làm thay việc đấu tranh PCTNTC cho cấp tỉnh, mà do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. T.Ư chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu. Khi Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban thì phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước Nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Thực sự vào cuộc

Tạo công cụ pháp lý đầy đủ để những “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC thực hiện chức trách của mình theo phân cấp, phân quyền, Ban Bí thư cũng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Trong Quy định này, Ban Bí thư đã chỉ rất rõ về phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó có việc trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thành phần Ban Chỉ đạo đa dạng, bảo đảm sự có mặt các cơ quan nội chính, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử sẽ tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các thành viên, nhất là trong công tác tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.

Các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban chỉ đạo, Thường trực, Trưởng ban, Ủy viên Ban Chỉ đạo…, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác… cũng được làm rõ. Trong đó, điều quan trọng là Ban chỉ đạo sẽ thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm…

Có thể nói rằng, với sự ra đời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn này sẽ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ PCTNTC được liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Khi đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương không thể ngoài cuộc mà sẽ giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực phức tạp của chính địa phương mình.

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã nhận định, việc quan trọng tiếp theo là các cấp ủy, Ban Chỉ đạo và đặc biệt người đứng đầu phải thực sự vào cuộc, ngăn chặn từ sớm, từ xa các biểu hiện vi phạm, không phải đợi xảy ra rồi, lún sâu rồi mới xử lý hậu quả.

"Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã đấu tranh, xử lý tham nhũng rất mạnh, rất quyết liệt và đạt kết quả. Về mặt khoa học, đó là đấu tranh trực diện với các hành vi tham nhũng. Nhưng còn một vế quan trọng là phòng ngừa để hành vi tham nhũng không xảy ra hoặc ít xảy ra hơn thì chúng ta chưa làm được nhiều.

Tức là, vụ việc đã xảy ra, thậm chí xảy ra một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý rất quyết liệt. Nhưng vấn đề là xử lý để ngăn chặn, phòng ngừa trước, không phải chỉ xử lý hậu quả, đó mới điều quan trọng, căn cơ, lâu dài. Hy vọng, với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, mối quan hệ giữa phát hiện và xử lý ngay từ cơ sở sẽ thực sự tốt." - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

"Việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cũng là cơ hội thử thách đối với cấp ủy cấp tỉnh. Trước đây T.Ư đi đến tận đơn vị, nhưng bây giờ T.Ư giám sát, nắm bắt thông tin và trong phạm vi địa phương sẽ giao cho tỉnh, thành làm, nếu không làm được thì kiểm điểm ngay những người đứng đầu tỉnh, thành. Quan trọng là mạnh dạn làm, không nể nang, không né tránh, không nuông chiều cán bộ, đã là cán bộ phải giữ liêm chính, tích cực, mẫu mực..." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng

Trần Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-con-tren-nong-duoi-lanh.html