Không còn 'nút cổ chai' vào đại học?

Kì tuyển sinh năm 2018, Bộ GD-ĐT quy định, bên cạnh phương thức tuyển sinh bằng kết quả của kì thi THPT quốc gia 2018, các trường đại học được tự chủ trong việc tuyển sinh bằng các phương thức khác. Và khi các trường (trừ khối ngành Sư phạm) không còn điểm 'sàn' (là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có cơ hội xét vào ĐH), lối vào ĐH sẽ vô cùng rộng mở với không ít thí sinh.

Thí sinh cần tỉnh táo khi xét tuyển học bạ (Ảnh minh họa)

Thí sinh cần tỉnh táo khi xét tuyển học bạ (Ảnh minh họa)

Hết “cá cược” với nguyện vọng?

Nếu như những năm trước, qua những ngày thi căng thẳng, thí sinh chờ điểm thi và đi nộp xét tuyển ĐH như đánh bạc. Nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt bởi quá nhiều may rủi, vất vả trong xét tuyển theo nguyện vọng thì trong kì tuyển sinh năm nay, cả nước có hơn 150 trường đại học, cao đẳng bổ sung phương thức xét tuyển học bạ (XTHB) THPT để chiêu sinh.

Xét tuyển bằng kết quả học tập lớp 10, 11, 12 tại bậc phổ thông được diễn ra trước khi kì thi THPT quốc gia 2018 vào cuối tháng 6. Các thí sinh có thể sớm biết được kết quả của mình, sẽ tăng cơ hội trúng tuyển nếu kết quả kì thi THPT không được như mong đợi. Hoặc thí sinh có thể tự lượng được sức học của mình để đăng kí xét tuyển.

Như vậy, để có một chân vào giảng đường với những trường, những ngành học không mấy hút thí sinh sẽ không còn quá áp lực và căng thẳng. Tùy từng trường, điều kiện xét học bạ có thể khác nhau. Có trường căn cứ vào điểm trung bình 3 năm THPT, có trường dựa vào kết quả học tập lớp 12. Về cơ bản, điều kiện xét tuyển phù hợp, không nhiều khắt khe, thí sinh nắm bắt cơ hội vào đại học sớm mà không phải hồi hộp chờ đợi, so sánh kết quả thi THPT quốc gia như mọi năm, trước khi bỏ điểm sàn.

Thêm nữa, hầu hết các tổ hợp môn xét tuyển ở phương thức này đều trùng với tổ hợp môn của phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Nhờ vậy, thí sinh không gặp quá nhiều khó khăn khi lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển. Chưa kể, nếu những môn đăng ký thi THPT quốc gia không nằm trong danh sách tổ hợp môn xét tuyển của trường thì điểm học bạ THPT của các môn học thế mạnh khác sẽ tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh.

Bên cạnh phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, hiện nay có rất nhiều trường đại học uy tín dành chỉ tiêu áp dụng phương thức XTHB như ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc Gia TP HCM, ĐH Công nghệ TP HCM (Hutech), ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), ĐH Luật Hà Nội (15%), Học viện Báo chí tuyên truyền (30%), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (25%)... Tuy nhiên, hầu hết các trường này đều lấy điểm bài thi tổ hợp theo khối thi tính từ 18 điểm trở lên, nghĩa là điểm sàn vào trường là 6 điểm/môn thi.

Theo Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Trường ĐH Lạc Hồng, việc xét tuyển của Trường Lạc Hồng dựa trên 2 phương thức: Căn cứ kỳ thi THPT quốc gia và xét điểm học bạ. Năm nay, trường xét tuyển 60% tổng chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu là 2.030 thí sinh), tổng điểm 3 môn tổ hợp từ 18 điểm trở lên, điểm trung bình lớp 12 từ 6.0 trở lên...

Thế nhưng, sơ sơ sẽ thấy có những trường lấy điểm khá thấp. Nếu chiếu theo cách xếp loại học lực bậc phổ thông, một thí sinh có điểm trung bình 3 môn dưới mức trung bình vẫn có thể được xét tuyển để học ĐH ở trường này?

Thí sinh cần tỉnh táo

Có thể nói, việc bỏ điểm sàn sẽ giúp thí sinh chỉ đủ điểm tốt nghiệp THPT có cơ hội vào đại học, đồng thời với những trường lo ngại không tuyển đủ chỉ tiêu thì đây là phương án cứu cánh, bởi nếu khó tuyển, họ sẽ hạ điểm cho tới khi đủ thí sinh.

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, năm nay Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn không có nghĩa là các trường hạ điểm thấp tối đa để lấy cho đủ hoặc vượt chỉ tiêu trường. Bởi để tạo thương hiệu và giữ hình ảnh của chính mình thì không thể khác, các trường cần tự đặt ngưỡng chất lượng của mình không quá thấp. Bởi chất lượng đầu vào không cao thì việc đào tạo thí sinh sẽ vất vả hơn và chất lượng có thể thấp hơn.

Hơn nữa, việc XTHB theo điểm số bậc phổ thông xưa nay vẫn là câu hỏi lớn nếu có yếu tố xét tuyển học bạ, điểm số sẽ được “làm đẹp” long lanh ngay từ lớp 10… PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng: “Cần có sự thống nhất trong cả hệ thống giáo dục trong vấn đề đảm bảo chất lượng ở các bậc học. Cụ thể, ở bậc THPT dạy có chất lượng, việc kiểm tra đánh giá phản ánh đúng năng lực của học sinh chứ không phải chạy theo thành tích để đạt tỷ lệ 80-90% tốt nghiệp. Chỉ khi nào điểm số ở THPT là điểm thật, đúng thực chất năng lực của từng em, khi ấy các trường đại học, cao đẳng có thể yên tâm lấy kết quả đó để xét tuyển.

Ngược lại ở bậc ĐH, TS Lê Trường Tùng cũng cho rằng: Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường thì cũng cần kiểm soát sự minh bạch của các trường trong tuyển sinh để tránh tình trạng thông tin mập mờ, không rõ ràng khiến thí sinh chọn nhầm trường. “Thực tế là có những trường khá úp mở về “đầu vào”, ví dụ như khi công bố đưa điểm xét tuyển cao nhưng sau đó âm thầm hạ điểm xuống rất thấp. Việc này các trường cần phải làm công khai, minh bạch để xã hội, người học, phụ huynh biết mà lựa chọn”.

Ở góc độ khác, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, trong tuyển sinh, nếu các trường đã mở “đầu vào” thì phải thắt chặt “đầu ra” theo xu thế chung của thế giới. Và quá trình đào tạo phải sàng lọc nghiêm túc để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, người quản lý nhà trường phải coi chất lượng giáo dục là mục tiêu sống còn của mình, của học sinh và cả sự phát triển của đất nước...

Do đó, TS Lê Trường Tùng cũng khuyến cáo, các thí sinh cần tỉnh táo trong việc lựa chọn trường để nộp học bạ xét tuyển, không phải cứ thấy điểm “sàn” thấp đủ điều kiện nộp hồ sơ là lao vào. Nếu học hết học kỳ không thấy phù hợp, các em có thể thi vào trường khác vì hiện các trường được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT:

Trường nào vi phạm sẽ ngừng tuyển sinh

Khi giao quyền tự chủ cho các trường, cơ quan quản lý đều tin tưởng đa số các trường đề cao chất lượng khi thực hiện tự chủ. Mặt khác khó tránh khỏi có những trường biết sẽ không tốt nếu tuyển sinh đầu vào thấp nhưng vẫn phải làm để cứu tình thế trước mắt. Cơ chế quy định các trường được công bố đề án tuyển sinh nhưng phải báo cáo Bộ GD-ĐT để Bộ giám sát, thống kê, kiểm tra quá trình thực hiện…Với những trường Bộ GD-ĐT nhận thấy có “vấn đề”, Vụ Giáo dục ĐH sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình. Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/khong-con-nut-co-chai-vao-dai-hoc-393765.html