'Không còn nạn đói' vào năm 2025

Việt Nam đã cơ bản hoàn thành những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, với thành tích tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 2,75%. Tuy vậy, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức khi tỷ lệ hộ nghèo tại 56 huyện nghèo ở mức 24% và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) cao.

Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm được an sinh xã hội của Việt Nam trong những năm qua, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn quan ngại về chỉ số phát triển về thể trạng (chiều cao theo tuổi) của người Việt Nam tăng trưởng không tương xứng với tốc độ cải thiện về đời sống xã hội.

Hiện, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn trên 22%; tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây Nguyên là 29,8%. SDD thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển toàn diện thể lực, tầm vóc, trí tuệ của trẻ em và năng suất lao động của người lớn.

Theo các nhà khoa học, để có một nền thể trạng tốt thì phải đảm bảo dinh dưỡng ngay ở giai đoạn đầu đời của con người. Có tới 80% trẻ em bị còi cọc, SDD là do thiếu vi chất dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời. Những đứa trẻ đó rất hạn chế về tinh thần và trí tuệ trong các giai đoạn phát triển sau này.

Thế nên, ngày 12-6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025, đề ra những mục tiêu rất cụ thể, để giải quyết căn bản vấn đề mang tầm chiến lược là nạn đói về dinh dưỡng, bên cạnh nạn đói lương thực mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.

Nhìn lại 5 mục tiêu của Chương trình “Không còn nạn đói”, chúng ta đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng như: người dân có đủ lương thực, thực phẩm; hệ thống lương thực, thực phẩm phát triển bền vững; tăng năng suất và thu nhập của hộ nông dân và giảm thiểu tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm. Duy còn mục tiêu giảm SDD thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20% vẫn là vấn đề nan giải.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình “Không còn nạn đói”, từ 19 mô hình “Không còn nạn đói” triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách thực hiện chương trình ở diện rộng trong giai đoạn 2021-2025; tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và hướng dẫn nông dân sử dụng, chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho người dân.

Tuy nhiên, để chương trình sớm về đích, trước hết phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Khi nói đến không còn nạn đói, người ta nghĩ ngay đến chuyện đói lương thực mà không biết rất nhiều người bị đói dinh dưỡng. Hiểu biết về vấn đề dinh dưỡng của nông dân còn hạn chế nên ngoài trồng lúa, nhiều người không biết tận dụng đất sản xuất để trồng thêm hoa màu, trái cây... để cải thiện vi chất dinh dưỡng.

Mặt khác, Chương trình “Không còn nạn đói” không có kinh phí độc lập nên nhiều địa phương chưa chú trọng bố trí nguồn lực và con người để tổ chức thực hiện; chưa biết vận dụng, lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình này với các chương trình “Giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”...

Rõ ràng, nhận thức đầy đủ của người dân, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở về vấn đề mang tầm chiến lược là nạn đói về dinh dưỡng sẽ quyết định kết quả Chương trình “Không còn nạn đói” trong giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải đương đầu với thách thức lớn từ thiên tai, dịch bệnh và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Chương trình “Không còn nạn đói” sẽ giúp chúng ta làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng hiệu quả và bền vững, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và nhóm người dễ bị tổn thương.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-con-nan-doi-vao-nam-2025-post435966.html