Không còn đất để bán ngân sách sẽ 'âm' nguồn thu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nguồn thu ngân sách của địa phương chủ yếu từ bán đất nhưng nếu hết nguồn này thì kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: TL

“Bây giờ chúng ta nhìn lại nguồn thu mới thấy thu ngân sách Trung ương thì không đạt, thu ngân sách địa phương vượt mức. Theo đó, tổng thu ngân sách tăng 3% nhưng cái gì tạo ra 3% để bù lỗ cho Trung ương đó là đất”.

PLO đãdẫn lại nhận định trên của ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong một buổi thảo luận tổ chiều 23.10, về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng nguồn thu ngân sách của địa phương chủ yếu từ bán đất nhưng nếu hết nguồn này thì kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Nhắc đến việc thu ngân sách Đà Nẵng không đạt mục tiêu đề ra, ông Kiên khẳng định đến bây giờ Đà Nẵng đã mất động lực tăng trưởng từ đất, trong khi công nghiệp chưa phát triển, dịch vụ phát triển chưa đồng bộ.

Và ông dự báo trong 2 năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu. Do đó trong báo cáo đánh giá nền kinh tế, ông Kiên đề nghị cần có đánh giá sát hơn để định hướng cho phát triển.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, chính sách và vốn đầu tư của tư nhân trong nước chưa được đánh giá tốt, như mục tiêu đề ra: “Trong khi chúng ta chưa tạo được sức hút vốn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam trở thành chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu…”.

Chất lượng thu hút FDI cũng được đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, tổ thảo luận số 1) băn khoăn, bởi thực tế việc chuyển giao công nghệ không được như mong muốn, tình trạng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm vẫn được chuyển về Việt Nam.

Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đánh giá tình trạng sai phạm, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối, gây hậu quả lớn cho xã hội; việc làm sai, báo cáo sai vẫn còn diễn ra. Tình trạng lợi ích nhóm chưa được ngăn chặn và ngày càng tinh vi. “Thời gian qua chúng ta bóc lớp vỏ ngoài hào nhoáng mới thấy nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng”, PLO dẫn lời ông Nhưỡng.

Ông Nhưỡng còn nhắc đến vấn đề hư hỏng “quá khủng khiếp” của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và hoan nghênh Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vì đã cho thanh tra tuyến cao tốc hơn 34.000 tỉ đồng này.

Tại buổi thảo luận của tổ 1 (đoàn Hà Nội), đại biểu Lưu Mai cũng lấy ví dụ về cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau khi thông xe để bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình các dự án đầu tư công hiện nay, quan đó đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để nguồn vốn đầu tư công phát huy hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, dự kiến kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ tăng 5,5% so với mức thực hiện năm 2017. Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô.

Qua 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020, tỉ lệ huy động ngân sách và số bội chi đã được kiểm soát, 2 năm qua đã giảm số bội chi thấp hơn dự toán, kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, giá trị GDP đạt tăng trưởng theo đúng kế hoạch. Đến 31.12.2017, nợ thuế giảm 2,8% so với thời điểm 31.12.2016.

Tại tổ thảo luận số 9 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hải Dương, Lai Châu và Đồng Nai, đại biểu Vũ Trọng Kim bày tỏ phân vân trước vấn đề nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, khiến ngân sách bị thiệt hại, làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh.

Ví dụ như nhà máy Phương Nam, Vinashin trả nợ trái phiếu quốc tế nhiều tỉ đồng và đến thời điểm trả nợ nước ngoài khó khăn nhiều trong việc trả nợ, dẫn tới quá hạn. Đặc biệt có tới 60 dự án nợ quá hạn. Trong đó, nhiều chương trình Thủ tướng cho chủ trương vay nhưng không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có báo cáo tác động và dự toán khả năng trả nợ 35 dự án. Rõ ràng đây là điều cần phải chú ý, cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Còn các đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM (tổ 2) đã chỉ ra rằng, tổng thể bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo xu thế tích cực là chủ đạo, mặc dù cũng còn tiềm ẩn rủi ro và thách thức, do đó trong công tác điều hành của chúng ta cần lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế.

Đi vào cụ thể, đại biểu Trần Anh Tuấn và một số đại biểu khác cho rằng báo cáo của Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp, báo cáo rõ về tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao; đánh giá về sự ảnh hưởng của thực trạng này đối với sự phát triển của nền kinh tế; tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

A.Thư

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/khong-con-dat-de-ban-ngan-sach-se-am-nguon-thu-99402.html