Không coi mạng xã hội là xấu, mà phải xem xét ý thức của người dùng

Một trong những nội dung các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ngày 17/11 là vấn đề quản lý thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội và công tác quản lý nhà nước với báo chí và truyền thông.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Văn Tuân phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo đánh giá của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin của khu vực. Khoảng 15 năm trước đây, không ai nghĩ rằng mạng Internet, mạng xã hội phát triển như hôm nay. Vai trò của Internet và mạng xã hội là không thể phủ nhận, không ai có thể đi ngược lại xu hướng phát triển này. Tuy nhiên, tác hại do mạng xã hội đem lại không hề nhỏ, đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo... ngày càng phát triển nhiều hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải xem xét ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào? "Các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phân tích.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm, trước đây các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.

"Để quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài yêu cầu về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, xâm phạm lợi ích quốc gia và các cá nhân. Thời gian qua, Bộ đã yêu cầu gỡ bỏ gần 5.000 clip trên Youtube có nội dung xâm phạm quyền lợi nhà nước", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Chấn chỉnh tình trạng phóng viên hù dọa doanh nghiệp

Đại biểu Mông Văn Tình (Nghệ An) đặt câu hỏi, mặc dù báo chí đóng vai trò quan trọng cung cấp thông tin, đấu tranh cái xấu, tiêu cực trong xã hội nhưng thời gian qua hoạt động báo chí còn nhiều tồn tại. Vậy, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông đến đâu và có giải pháp như thế nào với tình trạng này?

Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra xử phạt vi hạm hành chính với gần 150 cơ quan báo chí. Có thể nói năm 2016 là năm xử phạt nhiều nhất đến nay, trong đó vi phạm đăng thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Có thời điểm chỉ trong 1 tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý do đăng thông tin sai sự thật.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) về giải pháp chấn chỉnh một số phóng viên vi phạm pháp luật, tống tiền doanh nghiệp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát lại tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí, việc cấp thẻ nhà báo. Điển hình như năm 2016, trước tình trạng nhiều cơ quan báo chí cấp loại thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các cơ quan báo chí thu hồi và đã xử lý một phó tổng biên tập khi để xảy ra vi phạm, gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo để đi sách nhiễu doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận, có tình trạng phóng viên báo chí, nhất là phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp. Có doanh nghiệp bị 50 cơ quan báo chí cùng mời gọi quảng cáo trong 1 tuần. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ quan báo chí khoán trắng cho phóng viên thường trú và từ đó họ phải tự đi kêu gọi quảng cáo để "kiếm sống".

Để ngăn ngừa tình trạng này, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan liên quan thành lập 5 đoàn kiểm tra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ để tổng hợp tình hình và đề ra giải pháp xử lý. Trong đó, giải pháp đầu tiên là yêu cầu cơ quan báo chí phải cử phóng viên có đủ năng lực trình độ, thường xuyên kiểm soát hoạt động của cơ quan thường trú.

"Tôi cũng mong muốn các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí tránh đưa 1 chiều. Có hiện tượng anh em phóng viên xuống tác nghiệp nhưng người phát ngôn không cung cấp thông tin, khiến phóng viên phải khai thác qua nhiều nguồn, thậm chí là qua bạn bè, người thân, mối quan hệ, nên nhiều lúc thông tin không chính xác hoặc thông tin trái ngược nhau hoặc thông tin kiểu nửa sự thật", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị.

Trang Thu/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/khong-coi-mang-xa-hoi-la-xau-ma-phai-xem-xet-y-thuc-cua-nguoi-dung-20171117133208246.htm