''Không có vùng cấm'' trong xử lý xe quá tải

Vào những tháng cuối năm 2019, tình trạng xe ben chở vật liệu xây dựng phóng nhanh, vượt ẩu trên các tuyến thuộc TP.Biên Hòa như: quốc lộ 51 (đoạn từ ngã ba Bến Gỗ đến ngã ba rẽ vào Sân golf Long Thành), đường Huỳnh Văn Nghệ (P.Bửu Long)... khiến người dân sinh sống ven các tuyến đường này vô cùng bức xúc, nhất là đã có những tai nạn nghiêm trọng gây chết người do va chạm giữa xe tải ben với xe máy trên những tuyến đường này.

Trước thực trạng này, các ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong kiểm soát tải trọng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng quá tải, quá khổ. Từ đó góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cũng như cho thấy những nỗ lực của Đồng Nai trong quyết tâm ngăn chặn xe quá tải “hoành hành”. Tuy nhiên, vấn đề người dân mong muốn và kỳ vọng là việc kiểm soát tải trọng, xử lý nghiêm các xe chở quá khổ, quá tải sẽ được duy trì thường xuyên, chứ không chỉ trong cao điểm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết.

Theo Sở Tài Nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 mỏ khai thác đá đang hoạt động, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 cụm mỏ chính gồm: cụm mỏ Tân Cang (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa); cụm mỏ Thiện Tân (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) và cụm mỏ Soklu (xã Quang Trung, H.Thống Nhất). Điều này dẫn đến số lượng lớn xe tải lưu thông trên các tuyến đường, trong đó có không ít xe quá khổ, quá tải, phóng nhanh vượt ẩu...Hệ lụy là nhiều con đường trở nên mất an toàn giao thông do xuống cấp. Ngoài ra, xe chở quá tải còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

Đặc biệt, việc xe chở quá tải, quá khổ “hoành hành” còn gây bức xúc cho người dân sống ven các tuyến đường thường xuyên có xe quá tải hoạt động, nhất là các xe tải ben chở đất đá làm rơi vãi trên đường, gây ô nhiễm môi trường không khí do bụi. Để lập lại trật tự giao thông, chấn chỉnh trình trạng xe quá khổ, quá tải, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kiên quyết xử lý tình trạng xe chở quá tải với phương châm “không có vùng cấm”.

Theo đó, việc tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thi hành công vụ, giám sát, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đến trật tự, an toàn giao thông cũng cần được đẩy mạnh. Trong đó có việc tuyên truyền các quy định về công tác kiểm soát tải trọng đến các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, các đơn vị kho hàng, bến cảng, mỏ vật liệu xây dựng... trên địa bàn tỉnh.

Khi mỗi cá nhân tài xế, chủ xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông; tự giác tháo dỡ phần cơi nới thêm ở các thùng xe, chú ý điều chỉnh tốc độ khi tham gia giao thông... sẽ góp phần tích cực vào việc lập lại trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn trong năm 2020.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202002/khong-co-vung-cam-trong-xu-ly-xe-qua-tai-2990598/