Không có 'vùng cấm' trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái

Ngày 11/7/2019 tại TP Móng Cái, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện lượng lớn hàng hóa túi xách, ví da, thắt lưng, đồng hồ đeo tay bày bán tại Trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên dán tem nhãn, logo của những thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc. Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Cao Xuân Luật, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh ) về vấn đề này.

(ảnh

- Ông có thể nói rõ hơn về vụ việc xảy ra tại Trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên?

- Ông có thể nói rõ hơn về vụ việc xảy ra tại Trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên?

+ Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên thuộc Công ty CP tập đoàn Đầu tư Hồng Nguyên, đã bị các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 5 lần, phạt gần 500 triệu đồng, đã đình chỉ kinh doanh do không đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Song thời gian gần đây, đơn vị này lén lút mở cửa trở lại. Cửa hàng thường xuyên đóng cửa, không cho người ra vào, chỉ mở cửa khi có khách du lịch, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Các đối tượng còn lợi dụng việc thi công xây dựng các công trình của Công ty này để mang hàng hóa vào cửa hàng bày bán. Công ty CP tập đoàn Đầu tư Hồng Nguyên hoạt động theo giấy phép đầu tư kinh doanh là đúng pháp luật; nhưng việc kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu là vi phạm pháp luật. Hiện toàn bộ hàng hóa do lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ tại Trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên ngày 11/7 đã được đưa về Hà Nội để tiếp tục kiểm tra, xác minh và làm rõ.

- Từ vụ việc này cho thấy, dù thời qua các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

+ Riêng lực lượng QLTT tỉnh, trong năm 2018 đã kiểm tra, xử lý 3.647 vụ, trong đó có 563 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 6 tháng đầu năm nay đã kiểm tra 3.069 vụ, xử lý 1.816 vụ, trong đó có 309 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả. Mặc dù các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, thậm chí xử phạt với mức hàng trăm triệu đồng, nhưng một số cơ sở vẫn tái diễn vi phạm nhiều lần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Do lợi nhuận cao, các đối tượng bất chấp, tìm mọi cách hòng qua mặt lực lượng chức năng. Đối tượng thường xuyên thay đổi chủ sở hữu nhằm tránh xử lý tái phạm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả còn mỏng, địa bàn trải rộng. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại, hàng có thương hiệu, nên hàng giả giá rẻ vẫn có chỗ đứng trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hàng giả hiện nay được sản xuất rất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật; trong khi đó nhiều doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình, chưa thực sự vào cuộc phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống hàng giả. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhận thức về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, từ cơ quan thực thi công vụ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do bất cập về văn bản quy phạm pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ số hàng hóa vi phạm tại Trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên ngày 11/7, đưa về Hà Nội để tiếp tục kiểm tra, xác minh và làm rõ.

- Khắc phục những khó khăn, bất cập trên, đồng thời để kiểm soát, kiềm chế vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần có giải pháp gì, thưa ông?

+ Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết số 41/NQ-CP về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng thành viên BCĐ 389 tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, khả năng dự báo, cảnh báo sát tình hình, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn chủ yếu và mới của các đối tượng, để có phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả. Trong đó, giao trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương, phân công lãnh đạo phụ trách với vai trò trưởng BCĐ 389 địa phương. Đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể.

Các đơn vị thành viên BCĐ 389 chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt các chuyên đề, kế hoạch trọng điểm, rà soát các kho, điểm tập kết hàng hóa, đặc biệt tại các địa phương biên giới; tăng cường kiểm tra các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá điếu, xì gà, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền... Tăng cường công tác thông tin truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện… đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các ngành, lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đôn đốc các ngành, lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động công vụ của CBCS. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thường xuyên, kịp thời điều động, luân chuyển CBCS tại các vị trí công tác nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp CBCS thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo nội bộ trong sạch, không có “vùng cấm” trong công tác này. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Các doanh nghiệp cần có chiến lược tập trung đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng KHCN nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; cải tiến mẫu mã hàng hóa để tránh làm giả, đăng ký bảo hộ; đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Các hộ kinh doanh hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ; nâng cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng, như thực phẩm, mỹ phẩm...

Người tiêu dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, mua hàng hóa tại các địa điểm kinh doanh rõ ràng, có uy tín, hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ; hưởng ứng tích cực cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

-Trân trọng cảm ơn ông !

Tuấn Hương (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201907/khong-co-vung-cam-trong-phong-chong-hang-gia-hang-nhai-2447916/