'Không có việc gì khó…'

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến cả thế giới chìm trong một màu ảm đạm, xám xịt. Thế nhưng, Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích, đẩy lùi từng mảng màu tiêu cực ấy bằng sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm chính trị cao nhất. Trong 'cuộc chiến' với kẻ thù vô hình, đã có rất nhiều thanh niên áo lính một lòng 'ra trận' để lại những dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân.

Trường Quân sự tỉnh An Giang (cũ) nằm trên TT. Óc Eo (Thoại Sơn). Đây là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tiếp nhận cách ly người từ các vùng dịch trở về, cao điểm lên đến hơn 230 người/đợt. Không thể nào đo đếm được bước chân tất bật của những cán bộ, chiến sĩ làm công tác phục vụ nơi đây.

Ngày ngày, các anh phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm, thực hiện các công việc: nấu ăn 3 buổi; đẩy xe vận chuyển thức ăn đến từng phòng; thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh khu cách ly; hỗ trợ người dân khi họ có yêu cầu. Thậm chí, kể cả “vật dụng chuyện tế nhị” của chị em phụ nữ, mấy bạn chiến sĩ trẻ tuy rất ngại, nhưng vẫn nhiệt tình đi mua, đem về gửi từng người.

Từng thành viên của xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) cũng tất bật đảm nhiệm hậu cần, phục vụ người được cách ly, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân biên giới Việt Nam - Campuchia. Đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ xã tham gia bảo vệ khu vực cách ly tập trung, hỗ trợ hậu cần, trực chiến 24/24. Mỗi người một việc, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn không hề vơi.

Nhận thức được tính chất quan trọng của công việc “Chống dịch như chống giặc”, mỗi chốt phòng chốt dịch được giao quản lý một đoạn biên giới, chia nhau canh phòng. Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Vĩnh Gia Lê Xuân Vỹ cho biết: “Cùng với các đơn vị phối hợp, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra, cố gắng khắc phục khó khăn. Trong thời tiết nắng nóng gay gắt, thiếu nước sinh hoạt, ăn uống cực khổ hơn trước, nhưng anh em vẫn động viên nhau vượt qua bằng mọi giá”.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đang nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép” trên tuyến biên giới An Giang: phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chống buôn lậu. “Cuộc chiến 2 trong 1” này tạo áp lực rất nặng nề lên đôi vai của từng cá nhân và tập thể. Đa phần, người thực hiện nhiệm vụ đều ở tuổi đôi mươi, ngày đêm phải đồng hành cùng thời tiết khắc nghiệt, căng mắt quan sát tuyến biên giới, không được phép lơi lỏng phút giây nào.

Những ngày cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều người cảm thấy buồn chán, khi phải thực hiện cách ly xã hội hoặc cách ly tập trung. Nhưng ít ai hình dung được rằng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đang dãi nắng dầm sương, chịu đựng vất vả để giữ gìn bình yên trên tuyến biên giới. Bữa cơm ăn vội, giấc ngủ không sâu, áp lực nặng nề từng giây từng phút... là những gì họ đang đối mặt. Trong ảnh, một đồng chí dân quân tự vệ trẻ đang thực hiện giám sát, kiểm soát người qua lại biên giới trên đường mòn, trong cái nắng cháy da.

Binh nhất Sơn Chăm (Sóc Trăng) và thượng úy Nguyễn Trung Kiên (Phú Thọ) được tăng cường về biên giới An Giang mấy tháng nay. Họ chia sẻ: “Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng tôi vượt qua nỗi nhớ nhà, quen dần môi trường công tác mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”.

Đêm khuya, cán bộ chiến sĩ chốt tại rạch Miễu Ngói Lớn (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) chia nhau trái xoài, gói mì, chuẩn bị sức để đi tuần tra. Thiếu úy Nguyễn Văn Linh, tổ trưởng tổ công tác, cho biết: tổ gồm 4 đồng chí, đã bám trụ ở nơi này suốt nhiều tuần qua. Nước trong rạch khi cạn khi đầy, không thuận tiện di chuyển, nên đa phần người dân đi đồng hỗ trợ họ ghé chợ mua thức ăn dùm. Mấy hôm trước, mưa gió làm tốc cả lều trại, chỉ còn khoảng 1m2 trong lều khô ráo, nên ai nấy đều thức tới sáng.

Huỳnh Thị Mới (sinh năm 1999) - một trong số ít nữ dân quân tự vệ đang đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại vùng biên giới An Giang. Nhiều tháng nay, bạn làm công tác thống kê, báo cáo, hậu cần… cho đơn vị, đến chiều tối mới trở về nhà. Bạn chia sẻ: “Tuy vất vả, nhiều việc, nhưng tôi thấy các anh bám trụ ở chốt vất vả hơn rất nhiều, chịu đựng nắng mưa liên tục. Chỉ mong sao dịch bệnh mau hết, để họ sớm trở về với gia đình”.

Giữa tháng 4, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng do thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Thường trực phía Nam dẫn đầu đã đến thăm hỏi, tặng quà và khen thưởng cho 40 chốt, thuộc các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đồng hành cùng màu áo xanh của người lính là màu áo thanh niên tình nguyện của tỉnh nhà. Từ trụ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời do Tỉnh đoàn An Giang vận động, lắp đặt, các chốt dã chiến vùng biên giới đã có thể làm nhiệm vụ tốt hơn vào ban đêm.

Thượng úy Nguyễn Phước Tới (sinh năm 1992, quê ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) là Đội trưởng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang). Mấy tháng liền, anh không về nhà, gác nỗi nhớ người thân, gia đình nhỏ của mình, giữ vững tinh thần để làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tính đến nay, anh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ, đội, đánh bắt có hiệu quả 128 vụ hàng hóa vô chủ, tổng trị giá hàng hóa trên 2 tỷ đồng; chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy đồn độc lập và phối hợp bắt 7 vụ (liên quan 8 đối tượng) về các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và vận chuyển trái phép hàng hóa tiền, tiền tệ qua biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) hành quân dã ngoại, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cũng như những bạn trẻ tôi đã gặp ở nhiều chuyến công tác, các chiến sĩ trẻ luôn lạc quan, không nề hà gian khổ, tận dụng thời gian rỗi để nghỉ ngơi, dưỡng sức, chuẩn bị cho cuộc “chiến đấu” chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Nhưng chúng tôi luôn tin rằng, ngày ấy sẽ đến sớm thôi, khi cả đất nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Như Bác Hồ đã dạy thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên!”.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-khong-co-viec-gi-kho--a274167.html