Không có việc 100.000 tấn thuốc BVTV sử dụng tràn lan trên đồng ruộng

Do Việt Nam không sản xuất được các thuốc bảo vệ thực vật và gần như phải nhập khẩu nên trong 10 năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật toàn quốc nhập khẩu dao động từ 70.000-100.000 tấn mỗi năm.

Nông dân phun thuốc trừ sâu (Ảnh:Pv/Vietnam+)

Nông dân phun thuốc trừ sâu (Ảnh:Pv/Vietnam+)

Trước thông tin 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập khẩu vào Việt Nam được dùng quá mức cần thiết, vô tội vạ trên đồng ruộng, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định không chính xác đồng thời cho biết một lượng không nhỏ trong số này đã được các doanh nghiệp gia công, chế biến và xuất khẩu trở lại.

Không phải 100% thuốc BTVT ra đồng, ruộng

Theo Cục Bảo vệ thực vật-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Việt Nam không sản xuất được các loại thuốc BVTV và gần như phải nhập khẩu nên trong 10 năm gần đây, lượng thuốc BVTV toàn quốc nhập khẩu dao động từ 70.000-100.000 tấn mỗi năm, với giá trị thương mại khoảng 700-800 triệu USD/năm. Do vậy, công tác quản lý chất lượng đầu vào thuốc BVTV được làm một cách rất chặt chẽ, 100% lô hàng khi nhập khẩu đều phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng nhà nước.

Trong số đó, các thuốc bảo quản nông sản, khử trùng chiếm khoảng 20% (đây là các loại thuốc không sử dụng ra đồng, ruộng); 30% là các loại thuốc trừ cỏ; 50% còn lại được hiểu là thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu, nhưng không phải các doanh nghiệp và nông dân sử dụng hết ở trong nước.

Một lượng lớn trong đó được gia công, chế biến và xuất khẩu vào thị trường 50 nước và vùng lãnh thổ; trong đó đặc biệt là thị trường Campuchia-Việt Nam chiếm 100% thị phần. Ngoài ra, các thị trường Đài Loan, Nhật Bản và Israel cũng có tổng kim ngạch mỗi năm từ 100-200 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu trên 6.000 tấn trên tổng số hơn 30.000 tấn thuốc nhập khẩu.

Đối với lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong nước, ông Hoàng Trung cho rằng: “Với trình độ canh tác và nhận thức của người dân và doanh nghiệp hiện nay, chúng ta không thể nào nói một cách tùy tiện rằng người dân có xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, tràn lan được vì nó liên quan trực tiếp đến chi phí sản xuất.”

Theo ông Trung, người nông dân và các doanh nghiệp quy mô lớn hiện nay rất cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc này. Bởi lẽ, để mua thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bỏ ra không hề nhỏ và nếu sử dụng sai quy cách thì dư lượng sẽ vượt mức cho phép, không đáp ứng các tiêu chuẩn để tiêu thụ tại các thị trường cho lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cùng với các địa phương đều đặn mở các lớp tập huấn liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, trung bình có ít nhất vài chục nghìn nông dân được tham gia các lớp này.

“Ngoài các lớp tập huấn, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa thuốc về trên địa bàn bất cứ một tỉnh nào thì phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân sử dụng. Nhiều chương trình hợp tác quốc tế với FAO, Croplife… giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả,” ông Trung cho hay.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng đề án "Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020" nhằm giúp người nông dân áp dụng đầy đủ các biện pháp tổng hợp và chỉ sử dụng thuốc BVTV trong trường hợp thực sự cần thiết. Ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học trước, trong trường hợp không có mới hướng tới lựa chọn nhóm thuốc BVTV thế hệ mới và phổ chọn lọc cao để sử dụng.

Cương quyết loại bỏ thuốc độc hại

Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ cương quyết loại bỏ những loại thuốc độc hại theo Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã có hiệu lực từ 1/1/2015, đó là những loại thuốc nhóm I, nhóm II; các loại thuốc mà Công ước Rotterdam đưa vào phụ lục 3; các loại thuốc gây độc, ảnh hưởng sức khỏe con người, môi trường; những loại thuốc có hiệu lực thấp. Đến nay, Việt Nam đã loại được 1.706 sản phẩm với 14 hoạt chất.

Tới đây, theo quy định tại Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, doanh nghiệp chỉ được đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ tiếp tục loại bỏ thêm nhiều sản phẩm có tính độc hại ra khỏi danh mục.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng của 6 tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc để truy tìm các đường dây buôn lậu thuốc BVTV. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp buôn lậu ở quy mô lớn nào, nhưng hiện vẫn còn tình trạng người dân mua bán "lậu" nhỏ lẻ một hai chai, gói ở các chợ phiên dọc biên giới...

Để tăng cường nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc BVTV, rõ ràng vẫn cần những nỗ lực của các ngành và cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Điều này cũng góp phần nâng chât lượng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Bởi hiện nay, trong số hơn 40 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thì riêng ngành trồng trọt chiếm hơn 50%, khoảng 20 tỷ USD.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc quản lý chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức các chương trình tập huấn cho bà con nông dân, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các cây trồng chính để điều chỉnh ngay lập tức nếu như phát hiện các mẫu vượt chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV./.

Lâm Phan Vietnam+

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khong-co-viec-100000-tan-thuoc-bvtv-su-dung-tran-lan-tren-dong-ruong/654123.vnp