Không có 'tuần trăng mật' cho ông chủ mới của Nhà Xanh

Chuyên gia nhận định ông chủ mới của Nhà Xanh sẽ tiếp tục chính sách thân Mỹ, cũng như xích lại gần Nhật Bản hơn, đồng thời thêm quyết đoán trong vấn đề Triều Tiên và Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ nhậm chức vào ngày 10/5 và bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm. Ông bắt đầu nhiệm kỳ vào đêm 9/5 khi nhận báo cáo từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc với tư cách tổng tư lệnh.

Trao đổi với Zing về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong nhiệm kỳ mới, Ramon Pacheco Pardo - giáo sư quan hệ quốc tế, thuộc Khoa Nghiên cứu châu Âu & Quốc tế, Đại học Hoàng gia London - cho rằng ông Yoon Suk Yeol sẽ đối mặt với một số trở ngại, đặc biệt trong việc xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

“Trở ngại chủ yếu với chính sách đối ngoại của ông Yoon là sự đối đầu ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Vị tổng thống sẽ phải xử lý khéo léo mối quan hệ này để không phá vỡ quan hệ kinh tế với Bắc Kinh”, ông Ramon Pacheco Pardo nhận định.

Tổng thống đắc cử là người không có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề đối ngoại. Tuy nhiên, với quan điểm cứng rắn và khác biệt so với người tiền nhiệm, ông Yoon được kỳ vọng thực hiện nhiều chính sách thay đổi tình hình trong nước và quốc tế, dẫu có nhiều thách thức đáng kể.

Các chính sách ngoại giao của ông sẽ tập trung chủ yếu vào quản lý quan hệ với Mỹ, Bộ Tứ, Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên, theo AP.

Thân Mỹ, xích gần Nhật, quyết đoán với Trung Quốc và Triều Tiên

Theo giáo sư Pardo, mỗi khi có người theo đường lối bảo thủ thắng cử tổng thống Hàn Quốc, họ sẽ nhận nhiều đồn đoán về những chính sách thân Mỹ hơn so với ứng viên theo chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên, ông cho rằng dù ai là tổng thống, Hàn Quốc vẫn sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ.

Ông nêu ví dụ về tuyên bố chung giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký kết năm 2021.

“Đây là tuyên bố dài và chi tiết nhất mà một tổng thống Hàn Quốc từng ký kết. Điều này đã được những người theo đường lối bảo thủ chính thống ca ngợi”, ông cho hay, đề cập thêm việc cựu Tổng thống Roh Moo Hyun là người gửi quân đội Hàn Quốc đến Iraq và bắt đầu các cuộc đàm phán cho Hiệp định thương mại tự do Hàn - Mỹ (KORUS FTA).

Do đó, ông Pardo kết luận ông Yoon sẽ tiếp tục chính sách hợp tác truyền thống của Seoul với Washington. Tuy nhiên, “ông Yoon sẽ bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn so với tổng thống đương nhiệm về sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ” giữa hai nước, giáo sư nói.

Trong bài đăng trên Foreign Policy, ông Yoon khẳng định liên minh chặt chẽ với Mỹ sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.

Ông khẳng định Seoul nên tìm kiếm liên minh chiến lược toàn diện với Washington, và bản chất của hợp tác song phương Mỹ - Hàn nên thích ứng với nhu cầu của thế kỷ XXI. Ông cho rằng không chỉ hợp tác về quân sự, hai bên có thể tăng cường mạng lưới liên kết từ kinh tế cho đến sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, trong quan hệ với Trung Quốc, giáo sư từ Đại học Hoàng gia London cho rằng quan hệ giữa hai nước này sẽ tiếp tục đi xuống. Ông chủ mới của Nhà Xanh nêu rõ mình sẽ có lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.

Quan hệ giữa hai bên đi xuống kể từ khi Seoul quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD. Mặc dù Hàn Quốc kiên quyết động thái này là nhằm vào Triều Tiên, Bắc Kinh xem mục tiêu cuối cùng của THAAD là chính Trung Quốc.

 Ông Yoon khẳng định sẽ nghiêm khắc đối phó với các hành động của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Ông Yoon khẳng định sẽ nghiêm khắc đối phó với các hành động của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Ông Pardo nhận định ông Moon thường đề cập về “sự mơ hồ trong chiến lược” với Trung Quốc. “Nhưng trên thực tế, ông lại đứng về phía Mỹ và Bắc Kinh phẫn nộ vì điều này. Vì vậy, tôi kỳ vọng ông Yoon sẽ cởi mở hơn trong việc đứng về phía Washington”, ông nói.

Trong vấn đề với Nhật Bản, giáo sư cho rằng “mỗi khi Hàn Quốc thay một tổng thống mới, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản lại được củng cố”. Do đó, nhiệm kỳ mới của ông Yoon có lẽ sẽ không ngoại lệ bởi rõ ràng tổng thống đắc cử muốn trở nên thực tế hơn trong mối quan hệ với Tokyo.

Trong thời gian tranh cử, ông Yoon liên tục truyền đạt mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Nhật Bản. Trên hết, ông tin Hàn Quốc nên nối lại ngoại giao con thoi và khôi phục lòng tin giữa hai nước, đồng thời tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Washington và Tokyo để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Giáo sư Pardo cho rằng “Hàn - Nhật sẽ tăng cường hợp tác, miễn là không nhận sự phản ứng dữ dội trong nước”. Dù quan hệ chính trị hai bên không mấy tốt đẹp trong những năm gần đây, hai bên vẫn âm thầm hợp tác an ninh, do đó ông Yoon sẽ cởi mở hơn.

Về Triều Tiên, ông Pardo nghĩ rằng ông Yoon sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề răn đe và phi hạt nhân hóa.

Ông Yoon khẳng định sẽ nghiêm khắc đối phó với các hành động của Triều Tiên, trong đó có vô hiệu hóa khả năng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên bằng cách tăng cường phòng thủ tên lửa, không quân của Hàn Quốc, đồng thời củng cố khả năng răn đe của Washington với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Yoon cũng có thể sẵn sàng can dự với Bình Nhưỡng nếu có cơ hội để làm như vậy. “Điều này sẽ giúp ích cho ông ấy về mặt đối nội, vì hầu hết người Hàn Quốc thích hòa giải liên Triều hơn là đối đầu”, ông cho hay.

Cân bằng quan hệ trong tam giác Hàn - Mỹ - Trung

Xu hướng bài xích Trung Quốc đang trở nên ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc. Đây là một nhân tố đáng chú ý đối với chính sách đối ngoại của Seoul, theo Diplomat. Mỹ - một đồng minh thân cận của Hàn Quốc - cũng có thái độ tiêu cực với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh lại là đối tác thương mại lớn của Seoul.

Vì vậy, để cân bằng mối quan hệ trong tam giác Hàn - Mỹ - Trung, giáo sư Pardo nhận định ông Yoon nên tiếp tục theo đuổi chính sách hiện tại. Đó là hợp tác với Mỹ và các đối tác khác như châu Âu hoặc QUAD trong các lĩnh vực an ninh hoặc ngoại giao, nhưng cũng duy trì các liên kết kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, ông cho biết.

“Không quốc gia nào thực sự muốn cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc, và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ”, ông nhận định.

Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng việc ông Yoon tiếp tục ủng hộ mối quan hệ sâu sắc hơn nữa với Mỹ có thể làm “Washington cảm thấy hài lòng, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc kéo thêm nhiều xích mích của Seoul với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh”.

Nhiệm kỳ mới của ông Yoon được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức về đối ngoại. Ảnh: Reuters.

Về mối quan hệ với Triều Tiên, ông Pardo cho biết căng thẳng leo thang hay hạ nhiệt đều phụ thuộc vào động thái của Bình Nhưỡng.

“Điều quan trọng là Bình Nhưỡng có quyết định muốn giải quyết vấn đề cùng với Seoul và Washington hay không, vì cả ông Yoon và ông Biden đều thể hiện thiện chí mở rộng cánh cửa đối thoại”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Yoon từng bày tỏ “sẵn sàng tham gia” vào QUAD, liên minh gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Nhận định về vấn đề này, giáo sư Pardo cho biết trên thực tế, Hàn Quốc đã hợp tác với QUAD dưới thời ông Moon. Tuy nhiên, theo ông, việc Seoul chính thức gia nhập QUAD sẽ là thông điệp chính trị mạnh mẽ.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ chỉ trích động thái như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Bắc Kinh có áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hàn Quốc, vì họ đã không làm vậy với Nhật Bản”, ông cho hay.

Tuy nhiên, ông Andrew Yeo - Chủ tịch Quỹ SK-Hàn Quốc và thành viên cấp cao tại Viện Brookings, giáo sư chính trị thuộc Đại học Công giáo Mỹ - cho biết triển vọng Hàn Quốc chính thức gia nhập QUAD là rất thấp.

“Tổng thống đắc cử Yoon rất muốn xích lại gần với QUAD cũng như các quốc gia, đối tác chiến lược khác, nhưng ông cũng hiểu được những tác động chính trị tiêu cực của việc này trong mối quan hệ với Trung Quốc”, giáo sư Yeo nói với Zing.

Theo ông Yeo, tuy ông chủ mới của Nhà Xanh sẵn sàng thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, vẫn có nhiều cách để thắt chặt mối liên kết với Mỹ, trong khi tránh được những sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.

Để giải quyết vấn đề đó, giáo sư Yeo đã đề xuất một số cơ chế thay thế như Quad Plus hoặc các thỏa thuận không chính thức khác.

Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-co-tuan-trang-mat-cho-ong-chu-moi-cua-nha-xanh-post1302694.html