Không có thói quen phân loại rác hàng ngày, việc xử lý rác thải nhựa rất khó khăn

Đó là một trong những giải pháp về bảo vệ môi trường do lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề xuất trong Tọa đàm trực tuyến về 'Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp', vừa được tổ chức sáng ngày 20/12. Cuộc tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cùng các chuyên gia đã nêu ra thực trạng sử dụng, tái chế túi nilon, chất thải nhựa dùng một lần, từ đó đề ra các giải pháp thay đổi vấn đề này.

Các đại biểu tham gia cuộc tòa đàm đã nêu lên thực trạng cũng như giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa

Các đại biểu tham gia cuộc tòa đàm đã nêu lên thực trạng cũng như giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa

4000 – 5000 tấn rác thải mỗi ngày tại Hà Nội

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ nhựa trong rác thải tăng từ 10% lên 16%, đặc biệt lượng rác thải này không chỉ tăng về khối lượng mà còn đa dạng về cả chủng loại. Năm 2019, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4000 – 5000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7 – 8%.

Ở hai thành phố trung tâm của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình có khoảng 80 tấn nhựa, túi nilon thải ra môi trường trong một ngày. Đây là một con số biết nói về thói quen tiêu cực sử dụng đồ nilon, nhựa một lần vẫn còn nhiều tồn tại.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

“Hiện nay công tác tuyên truyền chưa triệt để, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa nắm bắt được hết các quy định về bảo vệ môi trường hoặc khi tổ chức còn vướng mắc cơ chế”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ.

Phía đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết thêm, do hệ thống phân phối sử dụng túi nilon sinh học giá thành cao, ảnh hưởng đến kinh doanh, tính cạnh tranh so với hệ thống phân phối khác nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dừng sử dụng sản phẩm này, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Túi nilon, nhựa một lần là nguồn cơn gây ung thư

Túi nilon, ống hút, cốc nhựa, hộp xốp…chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như: chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng.

Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ của trẻn em, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe con người.

“Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học và Cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư cho thấy, BPA, một hóa chất nhân tạo trong sản xuất sản phẩm nhựa, là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao, làm não chậm phát triển hay rối loạn nội tiết, gây vô sinh…”, ông Vũ Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn nhưng các sản phầm này phải mất từ 500 – 1000 năm mới phân hủy được. Trong khi gần 1/3 số lượng túi nilon rác thải ra mỗi ngày không được thu gom, xử lý. Hậu quả là rác thải nhựa, túi nilon có mặt ở khắp mọi nơi, gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là điều kiện cho các loại dịch bệnh sinh sôi và phát triển.

Tuyên truyền giảm thiểu phải có sản phẩm thay thế đạt chuẩn

Phong trào hạn chế, thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần được kêu gọi từ tháng 6/2019. Tuy nhiên thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Hiện nay, nhiều siêu thị đã dùng lá chuối, lá dong gói thực phẩm thay cho túi nilon. Tuy nhiên giải pháp này có hiệu quả trước mắt nhưng về lâu dài để duy trì thì cần tính toán.

“Chúng ta sử dụng túi nilon hay đồ nhựa một lần rất nhiều. Thế nên để có lượng lá chuối hay sản phẩm gói thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu này thì không phải vùng nào cũng có đủ điều kiện”, chuyên gia về môi trường GS.TS Đặng Kim Chi bày tỏ.

Hiện nay trên thế giới, 91 quốc gia đã cấm sử dụng túi nilon một lần, trong đó 53 cấm trên phạm vi cả nước. Ở Hàn quốc, Cam-pu-chia hay ở một số nước ở châu Phi có tình trạng sử dụng túi nilon, đồ nhựa một lần giống như Việt Nam. Các nước này đã bắt đầu đánh thuế mạnh vào túi nilon.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco)

“Urenco đã kết hợp với Tập đoàn IKE của Nhật Bản để sản xuất viên đốt từ nhựa, thậm chí còn xuất sang Nhật. Trong năm 2020, chúng tôi sẽ tiến hành thêm những dự án có tính xã hội cao. Đồng thời, thay vì chỉ tuyên truyền, chúng tôi có chế tài với những đơn vị vi phạm xử lý rác thải”, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện sở đã có 1000 bản cam kết của các doanh nghiệp trong sản xuất, phân phối sản phầm về giảm thiểu sử dụng túi nilon, đồ nhựa một lần, 300 doanh nghiệp cam kết sản xuất thân thiện với môi trường.

Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi siêu thị hưởng ứng tích cực, tổ chức phong trào thiết thực về thay vì dùng túi nilon một lần sang túi sinh học, gói sản phẩm bằng lá chuối, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ chuyển ống hút nhựa sang ống tre, ống giấy, kinh doanh xanh, nhà cung ứng xanh và người tiêu dùng xanh.

Về phía Sở Y tế Hà Nội đang yêu cầu giảm thiểu ngay từ khâu mua sắm, thay thế sản phẩm thân thiện với môi trường như túi nilon sinh học, không sử dụng nước uống đóng chai hội họp, các khoa phòng sàng lọc những thứ bằng nhựa không cần thiết ra khỏi nơi làm việc, yêu cầu bệnh viện thường xuyên truyền thông tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…

Thậm chí, ông Vũ Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ xem xét thu hồi giấy phép với những đơn vị y tế không phân loại rác y tế.

Kết thúc buổi tọa đàm, các đại biểu kiến nghị trong tương lai, các doanh nghiệp nên hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn: nền kinh tế hạn chế tối đa rác thải, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, thiết bị, quá trình sản xuất, làm ra sản phẩm có chất dư thừa tái chế được hoặc trở thành nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác.

Nguyễn Hòa

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-co-thoi-quen-phan-loai-rac-hang-ngay-viec-xu-ly-rac-thai-nhua-rat-kho-khan/837005.antd