'Không có sức ép nào buộc chúng tôi phải cứu bệnh nhân 91'

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết sau hơn 100 ngày căng thẳng, giờ đây chúng ta có thể thở phào vì bệnh nhân 91 sống sót và biết nói lời cảm ơn.

Giữa trưa nắng một ngày đầu tháng 7, vài ngày trước khi PGS.TS Lương Ngọc Khuê sẽ vào TP.HCM để hội chẩn lần cuối với các chuyên gia về bệnh nhân 91, ông đồng ý trả lời phỏng vấn Zing sau nhiều lần hẹn gặp.

Cuộc trò chuyện được bắt đầu ngay khi ông vừa kết thúc một cuộc họp quan trọng vào lúc 12h và cuộc họp khác đang chờ ngay sau đó.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã có thể nở nụ cười trên môi và thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhân 91 đã "đi từ cõi chết trở về".

Ông nói: "Không có một áp lực nào, kể cả từ phía Đại sứ quán Anh, hay bất cứ người nào ép buộc chúng tôi phải cứu sống bệnh nhân 91. Chỉ là do các thầy thuốc Việt Nam quyết tâm bằng mọi giá không để ai ở lại phía sau, bất kể người đó mang quốc tịch gì".

- Bệnh nhân 91 (BN91) chuẩn bị về nước. Đây có lẽ là lúc nhìn lại chặng đường điều trị cho ca bệnh đặc biệt này?

- Đúng vậy, điều trị cho BN91 đúng là lúc thăng lúc trầm, như thầy Nguyễn Gia Bình (GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc Việt Nam) từng nói là có thể viết được một cuốn phim rất hay. Đầu tiên là thời điểm bệnh nhân có cơn bão Cytokine, phải truyền đạm, lọc máu, thở máy. Chúng tôi gần như sử dụng những phương tiện kỹ thuật cao nhất nhằm hồi sức cho bệnh nhân, nhưng diễn biến xấu khi bệnh nhân dần đi vào hôn mê.

Đến giai đoạn chạy ECMO vì phổi đông đặc, bệnh nhân không thở được, các chức năng phải hỗ trợ bằng máy. Bệnh nhân cũng không có tiến triển, dùng các loại kháng sinh liều rất cao, phải nhập thêm chất chống đông, chống nấm để điều trị. Lúc đó, chúng tôi đã nghĩ đến phương án không điều trị được nội khoa, phải chuyển sang ngoại khoa, tức ghép phổi và thận.

Ở Việt Nam, bản thân tôi cũng được Bộ trưởng Y tế giao làm một trong 4 chủ tịch các hội đồng thẩm định ghép tạng cho bệnh nhân, trực tiếp chỉ đạo những trường hợp ghép phổi ở các viện. Song đối với phi công này, ghép phổi rất khó bởi bệnh nặng, đồng thời chúng ta chưa biết được tất cả cơ chế gây bệnh của virus gây nên căn bệnh này. Bệnh nhân lại rất to lớn, nên phổi to hơn người bình thường ở Việt Nam.

Bước ngoặt điều trị là khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đó, chúng tôi xác định cần phải có sách lược đưa bệnh nhân sang bệnh viện đa khoa để có nhiều chuyên khoa giúp cho việc phục hồi, tiến tới ghép phổi. Quả thực, khi chuyển viện, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết sức cố gắng cùng hội đồng chuyên gia tạo ra những diễn biến tốt, kỳ diệu như chúng ta đã biết.

Ngày 16/6, khi phổi bệnh nhân đã hồi phục 60%, tôi vào thăm và quyết định báo cáo với ban chỉ đạo quốc gia và tiểu ban điều trị, quyết định dừng phương án ghép phổi, thận, tập trung vào phục hồi chức năng, tăng cường dinh dưỡng, thậm chí cả y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt, khí công... để bệnh nhân sớm phục hồi, cũng như các biện pháp nghiêm ngặt tránh nhiễm khuẩn.

Sau thời gian dài hôn mê, BN91 cũng có những thay đổi về tinh thần, tâm trạng lúc vui, lúc buồn, cười, khóc thay đổi thường xuyên như biểu hiện của trầm cảm. Sau đó, bệnh nhân có thể sử dụng được điện thoại để trao đổi với người thân, bạn bè, đại sứ Anh vào thăm, điều đó giúp anh ấy thấy khá hơn.

Có thể nói các thầy thuốc đã rất tận tụy bằng các biện pháp phục hồi chức năng, nội khoa, tâm lý trị liệu với mục tiêu là làm sao để bệnh nhân sớm khỏe, ra viện, về nước an toàn nhất.

- Đã có bao nhiêu cuộc hội chẩn để điều trị cho ca bệnh này? Không khí trong các cuộc ra sao? Hẳn cũng có nhiều cuộc tranh luận gay gắt?

- Tiểu ban Điều trị đã hội chẩn rất nhiều cuộc liên quan ca bệnh này. Chỉ riêng tháng 4 khi BN91 rất nặng, chúng tôi đã có 4 buổi hội chẩn liên tiếp vào các ngày 7/4; 10/4; 14/4; 29/4. Tháng 5 và tháng 6 cũng như vậy. Cuộc hội chẩn mới đây nhất là ngày 3/7 để chuẩn bị tinh thần cho nam phi công về nước.

Trong các buổi hội chẩn, chúng tôi có những ý kiến đồng thuận và cả ý kiến trái chiều, thậm chí tranh cãi nảy lửa. Nhưng ai cũng hiểu ý kiến đưa ra chỉ một mục đích là giúp bệnh nhân, mong điều tốt nhất xảy ra với ca bệnh dường như hy vọng rất mong manh. Sau cùng, phải tìm ra phương án tốt nhất, an toàn nhất cho người bệnh cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy thuốc đang trực tiếp điều trị.

Chúng tôi thực chất đồng thuận quan điểm “còn nước còn tát” đúng theo tinh thần của thủ tướng là "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong cuộc chiến này. Chúng tôi xác định những phương pháp của Việt Nam hoàn toàn có thể điều trị được, vấn đề là các giai đoạn quyết định điều trị như thế nào cho đúng, phù hợp, hiệu quả.

- Tôi được biết cũng trong những buổi hội chẩn ấy, có thời điểm các chuyên gia gần như phải buông vì mọi điều tốt nhất đã được thực hiện song không có kết quả khả quan.

- Nói buông thì không đúng, nhưng thú thật nhiều thời điểm chúng tôi cũng bi quan. Có thời điểm anh em điều trị báo cáo: "Chúng em đã làm hết sức rồi", chúng tôi rất căng thẳng. Quả thực, điều gì tốt nhất cho bệnh nhân chúng tôi đều đã làm.

Có những lúc phổi bệnh nhân trắng xóa, chức năng giảm dần từ 20, xuống 15, 12 rồi 10%. Chúng tôi đặt các ống thông lớn vào mạch máu, hút máu ra với lưu lượng lớn trộn với ôxy qua màng trao đổi sau đó bơm trả lại vào mạch máu người bệnh (ECMO). Bệnh nhân không thể tự thở, ăn uống, gần như hôn mê, suy đa phủ tạng. Cảm giác lúc đó là bất lực bởi không ai biết được loại virus này sẽ diễn biến như thế nào.

Y văn thế giới chưa từng có, mình cũng chưa gặp bệnh cảnh này. Sau này, bệnh nhân phục hồi đúng là kỳ diệu và đội ngũ thầy thuốc lại càng quyết tâm hơn khi qua được giai đoạn khó khăn nhất.

- Khi BN91 về nước, vai trò của các bác sĩ Việt Nam kết thúc?

- Hiện nay, bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn. Sau 3 tháng hôn mê, bệnh nhân cần nhiều thời gian phục hồi chức năng. Đại sứ quán Anh có đề nghị dựa theo nguyện vọng được về nước của bệnh nhân, từ đó chúng tôi xác định những điều kiện để bệnh nhân có thể chuyển tuyến an toàn như ai sẽ đi cùng, cũng như thuốc men, máy móc hỗ trợ trên chuyến bay ra sao. Ở đây phải hiểu bệnh nhân có thể về chứ không phải chúng tôi giữ lại. Chúng tôi sẵn sàng chuyển tuyến để bệnh nhân tiếp tục điều trị tại quê hương Scotland.

- Nhìn lại toàn bộ quá trình, theo ông, đâu là lý do giúp nam phi công giữ được sinh mạng?

- Đầu tiên là chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, niềm tin của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tôi còn nhớ khi thành lập Trung tâm điều hành chỉ huy trực tuyến về Covid-19, trực tiếp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và có nói rằng trong Ban Chỉ đạo nhiều tiểu ban, riêng Tiểu ban Điều trị và công tác điều trị thì chính phủ tin tưởng tuyệt đối và giao cho các thầy thuốc quyết định. Chúng tôi được toàn quyền quyết định. Điều căn dặn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lúc đó đối với chúng tôi tưởng như đơn giản nhưng thực sự là trách nhiệm rất lớn.

Thứ 2 là sự đoàn kết, chưa bao giờ chúng tôi tập hợp được đội ngũ hàng trăm cán bộ, chuyên gia giỏi của Việt Nam về các chuyên ngành để cùng nhau suy nghĩ đưa ra giải pháp để giúp những thầy thuốc tuyến đầu. Đồng thời, những thầy thuốc đang trực tiếp điều trị bệnh nhân cũng không sợ hiểm nguy ngày đêm chăm sóc điều trị, cứu sống bệnh nhân trong khi trên thế giới đã có rất nhiều y bác sĩ ra đi.

Thứ 3 và rất quan trọng là phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế và Tiểu ban Điều trị kịp thời được đưa ra.

Cuối cùng là trình độ cũng như nỗ lực của bác sĩ. Chúng ta không hề phân biệt người Việt Nam hay nước ngoài. Bất kể là ai, nhiệm vụ của chúng tôi là cứu sống họ.

- Đây có phải lần đầu tiên đối với một dịch bệnh, Việt Nam thành lập riêng một Tiểu ban Điều trị cấp quốc gia với số lượng chuyên gia đông đảo?

- Đây không phải lần đầu tiên. Tiểu ban Điều trị từng thành lập vào năm 2003, khi chống dịch SARS. Tiểu ban của chúng tôi nhằm giúp cho công tác điều trị người bệnh, có kế thừa những kinh nghiệm từ dịch bệnh trước. Điều khác ở đây là chúng ta có thêm kinh nghiệm thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh.

Ngay từ tháng 1, chúng tôi đã thành lập 45 đội, sau đó là 50 đội. Ý nghĩa của những đội này nhằm giữ bệnh nhân ở tuyến dưới, phân tuyến điều trị để khi kịch bản 10.000 ca bệnh xảy ra, chúng ta có 675 các huyện và phòng khám đa khoa có thể điều trị giữ bệnh nhân ở đó. Từ đó, ngăn sự quá tải.

Ngoài ra, với ca bệnh nặng, chúng tôi phân tuyến chỉ tập trung ở 4 bệnh viện lớn và thành lập Tổ hội chẩn chuyên môn trong Tiểu ban Điều trị giúp đưa ra những quyết định chuyên môn sống còn với những bệnh nhân này.

- Với thành công này, Việt Nam đã được thế giới ghi nhận ra sao?

- Mới đây, quốc hội Mỹ, Viện Á - Mỹ đã mời tôi trực tiếp trao đổi với các giáo sư ở nhiều viện trên thế giới. Khi đó, tôi chia sẻ những quan điểm điều trị của Việt Nam. Họ cho rằng chúng ta đã cố gắng và đánh giá cao các nỗ lực của thầy thuốc Việt Nam, cũng như chúc mừng chúng ta đã ngăn chặn được dịch Covid-19 trong cộng đồng, không có bệnh nhân hay thầy thuốc nào tử vong. Đặc biệt đối với BN91, chúng ta đã hết sức nỗ lực.

- Gần như là người đứng mũi chịu sào, ông có chịu áp lực gì không trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nói chung và BN91 nói riêng?

- Nói là áp lực thì không hẳn, thực chất vì trách nhiệm nên phải cố gắng để hoàn thành trong sự nỗ lực, hiểu biết của mình. Với trách nhiệm của Cục quản lý khám chữa bệnh cũng là giám đốc của Trung tâm điều hành trực tuyến, tôi với các anh em ở cục, các thầy ở trong hội đồng chuyên môn rất đoàn kết chung lòng. Tính tôi nhiều lúc hay cầu toàn, cẩn thận đặc biệt trong những chiến lược, sách lược khi điều trị người bệnh nên nhiều lúc cũng phải cân nhắc, luôn luôn xin ý kiến của các lãnh đạo Ban chỉ đạo và Bộ Y tế.

Chúng tôi cũng thấy ấm lòng vì sự quan tâm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đã dành cho việc điều trị và hồi phục của BN91.

- Với vai trò quan trọng, hẳn ông đã rất vất vả. Ông có nhớ được mình đã đi bao nhiêu chuyến công tác, bao nhiêu lần vào vùng dịch không?

- Quả thực là không thể nhớ. Ngay giai đoạn đầu, thời điểm tháng 1, chúng tôi đã đưa ra sáng kiến thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch. Bản thân tôi trong những ngày 30 Tết, mùng 1 gọi điện trực tiếp cho các giám đốc bệnh viện để thành lập các đội cơ động này, sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới. Bộ Y tế phân công tôi làm Tổ trưởng Tổ cơ động phản ứng nhanh.

Những ngày đầu bệnh nhân còn ít, rải rác ở 1-2 đơn vị, chúng tôi đến tận nơi để gặp bệnh nhân, khám và vào tận buồng bệnh để điều hành việc cách ly, dự phòng, đưa ra những hướng dẫn điều trị cho cơ sở. Sau này lên nhiều bệnh nhân thì chúng tôi thành lập Trung tâm điều hành.

Nói chung nguyên tắc của tôi là sẵn sàng giúp cho tuyến dưới vì anh em ở đó không nắm được hết. Ví dụ, ở Sơn Lôi, tôi cùng anh em đội cơ động, chuyên gia BV Bạch mai xuống hướng dẫn cho trung tâm y tế huyện, trực tiếp vào phòng bệnh xem có đủ điều kiện thông thoáng, vô khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo không.

Bây giờ có thể không nhớ hết nhưng nếu bình tĩnh lại tôi có thể nhớ từng buồng bệnh, từng bệnh nhân ngồi ở đó, nói gì, bác sĩ ở dưới đó họ làm những gì. Hoặc là ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy tiễn những bệnh nhân ban đầu. Gần đây nhất xuống Thái Bình, gặp 25 người ở Nga về, tôi lại ôn được vài câu tiếng Nga, thấy vui vui. Các bệnh nhân dương tính khác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay các bệnh nhân khác, kể cả BN91 cũng nhiều kỷ niệm.

- Đến thời điểm này, với hàng trăm ca mắc khỏi bệnh, đặc biệt những ca rất nặng, ngành y tế Việt Nam đã đúc kết được những kinh nghiệm trong điều trị Covid-19?

- Chúng ta biết chủng virus này vô cùng mới, không có thuốc điều trị và vaccine, những người có bệnh nền, mạn tính rõ ràng diễn biến khôn lường. Trong quá trình thực hiện, phải rút kinh nghiệm hàng ngày, từng phút, từng giây từ thực tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, từ đó có những chiến lược, sách lược đối với từng giai đoạn, từng bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng như 91.

Dù dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, chúng ta không được phép lơ là, luôn cảnh giác vì đây là chủng virus mới, thế giới còn chưa tới đỉnh dịch, hàng ngày số lượng mắc mới đều tăng. Đây là sự cảnh báo đối với chúng ta. Hiện các chuyến bay đi về vẫn phát hiện nhiều ca mắc. Chúng tôi vẫn cách ly điều trị kịp thời, dùng các biện pháp để điều trị bệnh nhân sớm nhất. Chúng tôi mong rằng mọi người cùng cảnh giác, không được tự mãn, thỏa mãn, tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn phòng chống bệnh của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia.

'Hành trình chữa trị cho bệnh nhân 91 có thể làm phim' PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ hơn 3 tháng chữa trị cho bệnh nhân 91 là hành trình thăng trầm, có lúc tưởng như bất lực nhưng điều kỳ diệu đã đến.

Hà Quyên
Đồ họa: Minh HồngẢnh: Lê Hảo - Việt Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-co-suc-ep-nao-buoc-chung-toi-phai-cuu-benh-nhan-91-post1104238.html