Không có S-300 cho Syria: Nga-Israel đã thỏa thuận những gì?

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Moscow hôm 9/5, Nga tuyên bố không cấp S-300 cho Syria, đồng thời cũng im lặng trước vụ không kích của Israel hôm 10/5.

Nga không cấp hệ thống S-300 cho Syria

Đã có nhiều suy đoán lan truyền trên các phương tiện truyền thông về khả năng Nga cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến S-300 cho Syria, sau khi nước này bị tấn công bởi ba quốc gia phương Tây là Mỹ, Pháp và Anh vào ngày 14/4 vừa qua.

Hôm đó, liên quân phương Tây đã phóng 105 quả tên lửa hành trình Tomahawk, JASSM-ER (của Mỹ), SCALP EG (Pháp) và Storm Shadow (Anh) vào các mục tiêu quân sự của Syria ở Damascus và tỉnh Homs, sau những cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học ở thành phố Douma - Đông Ghouta hôm 7/4.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các hệ thống phòng không của Syria đã bắn hạ 71/103 tên lửa do liên minh ba bên phóng ra.

Họ nói, các phương tiện phòng không của Syria được sản xuất dưới thời Liên Xô như các hệ thống S-75 Dvina, S-125 Neva/Pechora, S-200 Angara, cũng như các hệ thống Buk, Pantsir-S và Kvadrat đã được sử dụng để đẩy lùi cuộc tấn công tên lửa của Mỹ và đồng minh Anh-Pháp.

Sau cuộc tấn công hồi tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố trước giới truyền thông rằng, Moscow sẵn sàng xem xét bất kỳ lựa chọn nào để giúp lực lượng Syria kiềm chế sự xâm lăng của phương Tây, mặc dù vài năm trước đây Nga đã quyết định không cung cấp hệ thống S-300 cho Syria, theo yêu cầu của các đối tác phương Tây, bất kể tính năng chính của các hệ thống này đơn thuần là để phòng thủ.

Sau đó, ông Lavrov tuyên bố rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về vấn đề cung cấp S-300 cho Cộng hòa Ả Rập Syria với Bộ Quốc phòng; tuy nhiên, quyết định cuối cùng “chưa được xác định”.

Trả lời các câu hỏi về việc giao các hệ thống S-300 tiềm năng cho Damascus, nhà xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng cung cấp cho Syria các hệ thống này, nếu được giới lãnh đạo của Moscow "bật đèn xanh".

Các hệ thống phòng không Nga ở Syria không được sử dụng để đối phó với Israel

Vào cuối tháng 4, Đại sứ Syria tại Nga là ông Riyad Haddad nói với các phóng viên rằng, các hệ thống S-300 đã được chuyển giao cho nước này; tuy nhiên, tuyên bố của ông đã bị Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga phủ nhận.

Sau khi vài chục cơ sở quân sự của Syria do Iran sử dụng bị 28 chiến đấu cơ Israel không kích vào ngày 8/5 và 10/5, thì việc Nga có cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria hay không lại càng là vấn đề quan trọng đối với Mỹ và Israel, cùng với giới phân tích quân sự.

Tuy nhiên, quyết định đã được công bố ngày 11/5. Theo đó, “Nga không cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Syria, cũng như việc đàm phán chuyển giao cho Damascus” - ông Vladimir Kozhin, trợ lý tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự cho biết.

Thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau Nga-Israel

Giải thích của ông Kozhin về việc “lực lượng phòng không Syria đã đủ mạnh, không cần thiết phải có S-300” là một tuyên bố hoàn toàn khiên cưỡng, bởi trên thực tế, việc Nga không cung cấp S-300 cho Syria là nằm trong chiến lược bảo toàn quan hệ của Moscow với Tel Aviv.

Theo cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Moshe Yaalon, ngay từ khi Nga triển khai quân sang Syria tháng 9/2015, hai nước đã bí mật thỏa thuận "không xâm phạm lẫn nhau”. Thỏa thuận này chính là một rào cản, khiến Syria có thể sẽ không được nhận S-300.

Theo đó, hai nước đã thiết lập một đường dây nóng (bằng tiếng Nga) nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ trên không và các sự cố nguy hiểm khác giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong trường hợp máy bay chiến đấu của Nga xâm phạm không phận Israel hoặc khi Tel Aviv có các hoạt động quân sự ở Syria.

Cùng với “đường dây nóng quân sự”, Nga và Israel đã thỏa thuận một nguyên tắc hành động là “không can thiệp lẫn nhau”. Theo ông Yaalon, nguyên tắc “không xâm phạm lẫn nhau” giữa Nga và Israel nằm ở trung tâm của cái gọi là “cơ chế tránh xung đột”.

Các chiến đấu cơ Israel có thể tự do hoạt động ở Syria bởi Thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau với Nga

Theo đó, Israel có lợi ích riêng và “ranh giới đỏ” ở Syria - đó là vấn đề Iran. Tel Aviv không muốn Nga ủng hộ Tehran trong cuộc đấu với Israel, hoặc ít nhất là giữ quan điểm trung lập, bất kể việc hai nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trong một mặt trận đối lập với Mỹ ở Syria.

Israel cam kết, nếu Nga không can dự vào xung đột Israel-Iran thì Tel Aviv cũng sẽ không ngăn cản cuộc chiến chống khủng bố của Moscow. Nước này cũng sẽ không can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria, không tìm cách lật đổ chính quyền Assad.

Ông Yaalon nói rằng, Moscow luôn yên tâm vì biết Tel Aviv sẽ không ngăn cản bất cứ hành động nào của Nga ở Syria và không tấn công vào các mục tiêu của Quân chính phủ Syria (trừ khi nó có chứa quân Iran); ngược lại, máy bay Israel hoạt động ở Syria cũng tin chắc rằng, VKS Nga sẽ không can thiệp vào công việc của họ.

Do đó, mặc dù Israel đã vài chục lần không kích vào Syria trong 3 năm qua, nhưng Moscow vẫn im lặng, ngược lại, Israel cũng từng ít nhất 1 lần không bắn hạ máy bay Nga khi nó xâm phạm không phận nước này trên cao nguyên Golan.

Tuy nhiên, sau các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình do liên quân Mỹ-Anh-Pháp đánh vào Syria, vào ngày 14-4 vừa qua, Nga đã bóng gió nói đến việc tái cung cấp cho Syria các hệ thống phòng không S-300, nhằm đối phó với sự xâm lược của phương Tây.

Nếu Damascus sở hữu các hệ thống S-300, không ai bảo đảm được việc Syria sẽ không sử dụng nó để tấn công máy bay Israel, bảo vệ Iran. Do đó, thuyết phục Nga không bán S-300 của Syria là biện pháp bảo hộ an toàn nhất. Và đó là mục đích hàng đầu của Israel trong thời điểm hiện nay.

Quà tặng cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Giới quan sát cho rằng, việc Nga tuyên bố không cấp S-300 cho Syria diễn ra ngay sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng trước nước Đức phát xít trong Thế chiến thứ 2 là món quà mà Tổng thống Nga Putin “thân tặng” Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Nga quyết định không cấp S-300 cho Syria vì quan hệ với Israel

Ông Netanyahu được Tổng thống Nga Vladimir Putin mời tham gia cuộc diễu hành Chiến thắng ở Moscow. Bất chấp mâu thuẫn với Iran đang gia tăng căng thẳng và tình hình nguy cấp trên biên giới với Syria, vị Thủ tướng Israel đã có mặt ở Moscow vào sáng 9/5.

Sau đó, hai nhà lãnh đạo này đã có cuộc hội đàm cực kỳ quan trọng. Nội dung chủ yếu mà ông Netanyahu đã bàn bạc với ông Putin gồm 2 điểm chính yếu sau:

Thứ nhất là ông Netanyahu bày tỏ sự quan ngại về việc Tehran gia tăng lực lượng và vũ khí ở Syria và nhấn mạnh rằng, Tel Avip sẽ làm tất cả để ngăn chặn việc Iran biến Syria thành tiền đồn chống Israel. Và Thủ tướng Israel cần Tổng thống Nga tái cam kết không can dự vào vấn đề này.

Thứ hai là Israel không muốn Nga cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria, bởi nó có thể lọt vào tay Iran, gây nguy hiểm cho máy bay Israel; đồng thời xâm hại đến đến quan hệ giữa hai nước, mà cụ thể là Thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau ở Syria.

Có thể nhận thấy rằng, chuyến thăm Moscow ngày 9/5 của ông Netanyahu đã có những kết quả rất tốt đẹp. Nga đã tuyên bố sẽ không giao S-300 cho Syria và không can thiệp vào cuộc không kích hôm 10/5, đòn đánh lớn nhất của Israel vào lãnh thổ Syria trong hàng chục năm qua.

Những tín hiệu này phản ánh vị thế rất quan trọng “phải được Nga tính đến” của Israel, trong chiến lược của Moscow ở Syria và Trung Đông; đồng thời nó cũng cho thấy sự vô cùng phức tạp trong bàn cờ chính trị, quân sự ở Syria - nơi có hãng loạt cường quốc trong và ngoài khu vực đang can dự, như Nga, Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia…

Nguyễn Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/khong-co-s300-cho-syria-ngaisrael-da-thoa-thuan-nhung-gi/767470.antd