Không có ngoại lệ!

Ngay sau việc xử phạt của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã ký Quyết định số 108/QĐ-ĐTĐL về việc thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ ngày 27-11-2020.

Rốt cuộc, với hành vi "Không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác" được quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 13, Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản), Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Nhật; xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt vi phạm hành chính số tiền 500 triệu đồng.

Ngay sau việc xử phạt của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã ký Quyết định số 108/QĐ-ĐTĐL về việc thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ ngày 27-11-2020.

Vấn đề như vậy là đã rõ: Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như Bộ Công Thương (mà trực tiếp ở đây là Cục Điều tiết điện lực) đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam mà chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu Tháng cũng như nhiều cơ quan báo chí khác đã thông tin. Việc này đã thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nếu chính quyền các cấp, các bộ, ngành cũng quyết liệt xử lý nghiêm đối với các vi phạm như vậy, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân phớt lờ pháp luật như hiện nay.

Từ vụ của Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, độc giả hẳn còn nhớ gần đây, Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu Tháng cũng như nhiều cơ quan báo chí khác còn thông tin về 2 vụ việc điển hình khác về tình trạng coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp luật pháp.

Đó là vụ 198 căn biệt thự và 290 căn nhà liền kề đã hoàn thiện cơ bản, kèm đó là hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện đến 60% trong khi chủ đầu tư vẫn đang quá trình phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, xin giao đất, đóng tiền sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng ở dự án khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park) tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đó là vụ một "làng biệt thự" với hơn 50 căn xây cất trái phép trên đất lâm nghiệp (tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) được chính quyền giao cho Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam quản lý, bảo vệ, phát triển du lịch, định canh cho hơn 30 hộ đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống.

Với sai phạm ở dự án khu dân cư Tân Thịnh, các nhà báo đã nỗ lực liên lạc với các ngành chức năng và lãnh đạo các cấp liên quan nhưng cho đến nay hầu như vẫn chỉ nhận được sự từ chối hoặc lảng tránh. Câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Với sai phạm trong vụ "làng biệt thự" ở Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh này đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra để kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Dù vậy, đến nay việc xử lý vẫn chưa rõ thế nào.

Liệu có phải quá khó khăn cho tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng trong việc xác định có sai phạm hay không ở những vụ này? Mà nếu thấy sai thì còn chờ gì mà không xử lý ngay và xử lý nghiêm.

Minh Khôi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/khong-co-ngoai-le-622576/