Không có một dự báo hoàn hảo

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài Nguyên - Môi trường cho rằng: dự báo thời tiết là dựa vào những mô hình khí quyển, thủy quyển, băng quyển, sinh quyển… rất phức tạp, tương tác chặt chẽ với nhau. Bản thân các 'quyển' này lại biến đổi, vận động không ngừng và tính bất định nhiều hơn tất định, buộc chúng ta không có cách nào tốt hơn ngoài theo theo dõi chặt chẽ.

Nghĩa là dự báo chỉ mang tính gần đúng với độ chính xác 70-80%, chứ không có dự báo hoàn hảo hay dự báo chính xác.

Ông Lê Thanh Hải.

PV: Có thể nói hiện nay sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của dự báo thời tiết đối với đời sống con người là rất lớn. Người ta quan tâm đến thời tiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Thậm chí có những chuyện không mong muốn xảy cũng đổ lỗi cho thời tiết… Nói như vậy để thấy, người dân hiện nay đã hình thành nên một dạng ý thức thời tiết rất rõ rệt. Cá nhân ông có khi nào thấy áp lực trước mỗi bản tin dự báo được công bố? Trong công tác dự báo thì hình thái dự báo nào là khó nhất?

Ông Lê Thanh Hải: Có thể nói, tất cả những hoạt động của con người, hoạt động của kinh tế xã hội đều chịu sự ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết, cũng như thiên tai. Mọi người vẫn thường nói vui rằng “với thời tiết, chúng ta không thể làm gì, ngoài dự báo thời tiết”. Vì thời tiết và cả khí hậu là thứ xảy ra theo quy luật thông thường, theo chu kỳ và có lúc ngẫu nhiên bất quy luật. Thậm chí hiện nay, với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết đã trái với các quy luật thông thường khá nhiều. Nhưng nhìn chung đến thời điểm này chúng tôi vẫn cơ bản kiểm soát được những gì đã, đang và sắp tới sẽ xảy ra.

Có lẽ thách thức nhất với chúng tôi là đưa ra những cảnh báo về mưa, về các sự kiện thời tiết - khí hậu - thủy văn cực đoan, về bất thường của khí tượng thủy văn. Ví dụ, sắp tới có một cơn mưa lớn, nhưng mưa lớn tới mức nào, lớn tới mức chưa từng xảy ra, hay lớn hơn/nhỏ hơn những kỷ lục đã xảy ra hay không? Hay những lúc nào hiện tượng cực đoan gọi là khó lường… thì đều phải theo dõi chặt chẽ cho tới thời điểm hiện tượng sắp xảy ra, vừa xảy ra hay có nguy cơ cao xảy ra mới có thể đưa ra những cảnh báo Khí tượng - Thủy văn nguy hiểm. Cho nên, ở thời điểm này, chúng tôi không thể nói năm 2019 chắc chắn có bao nhiêu cơn bão trên biển Đông, trong đó có bao nhiêu cơn đổ bộ vào Việt Nam, trong số đổ bộ có bao nhiêu cơn từ cấp 10 trở lên và bao nhiêu cơn siêu bão… Tất cả đều là những câu hỏi lớn, rất lớn, không thể đưa ra ngay được.

Phải hiểu rằng, bài toán dự báo là do những mô hình giả định, gần đúng để từ đó chúng ta theo dõi chặt chẽ. Nghĩa là dự báo chỉ mang tính gần đúng. Chúng ta chỉ nói được chính xác 70-80%, chứ không có dự báo hoàn hảo. Để có được một dự báo hoàn hảo đúng 100% cần một thời gian rất dài nữa mới có thể đạt được. Nhưng chúng tôi tin rằng, độ chính xác trong các bản tin dự báo đang dần dần tăng lên, qua từng năm.

Một số chuyên gia cho rằng, công nghệ dự báo thời tiết tại Việt Nam hiện nay vẫn lạc hậu, xác suất chính xác từ các bản tin dự báo hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ của dự báo viên là người tiếp nhận, phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo. Vậy theo ông, nguyên nhân của những hạn chế này là do đâu? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

- Nguyên nhân là độ không chắc chắn của những hiện tượng xảy ra trong khí quyển, trong khi đó hệ thống quan trắc chưa đủ dày để nắm bắt tất cả những hiện tượng xảy ra trong khí quyển. Đối với dự báo thời tiết phải phụ thuộc vào những con số đo đạc ở trên thượng tầng khí quyển, và thậm chí có những điều xảy ra ở Việt Nam nhưng nguồn sinh ra, xảy ra lại nằm ở tận giữa Thái Bình Dương hay phía nam Ấn Độ Dương. Đây chính là độ không chắc chắn hay là những sai số không thể tránh khỏi.

Tôi cho rằng, ngành Khí tượng - Thủy văn đang trong giai đoạn bắt đầu hiện đại hóa và công tác phục vụ đang có những bước tiến nhất định để làm sao tiếp cận, đáp ứng được với những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng… Trong đó, công tác dự báo là công tác khoa học và công nghệ, để phát triển đến một thành tựu nhất định thì phải có lộ trình, có nhân lực, trang thiết bị từng bước chứ không phải ngày một ngày hai giải quyết được.

Chúng ta đang sống trong thời điểm của biến đổi khí hậu và phải chấp nhận, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là sự xuất hiện ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vậy theo ông, quan điểm “thích ứng” với biến đổi khí hậu cần phải hiểu và làm như thế nào để con người thực sự sống chung với nó?

- Theo tôi, bài toán biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt nữa là quy luật khí hậu sẽ biến thiên rất nhiều. Biến đổi khí hậu không diễn ra theo kịch bản, nhưng đó là những câu chuyện mà các nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách đưa ra ở thời điểm 50 năm cho tới 100 năm nữa theo các kịch bản giả định theo tăng trưởng kinh tế bền vững hoặc lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì thế, biến đổi khí hậu đang khiến các quy luật của khí hậu biến đổi rất nhiều và nhanh hơn.

Ví dụ, trước đây một số hoa quả sử dụng như quả mít thường chín vào mùa hè nhưng giờ có thể ăn mít vào mùa đông, thậm chí quanh năm. Quy luật khí hậu bây giờ giãn ra, mùa mưa kéo dài và xuất hiện sớm, mưa gần như suốt năm hay mưa trái mùa lại nhiều hơn mưa chính mùa... Các hiện tượng trái mùa có dấu hiệu tăng lên, hay lũ lại xuất hiện sau ngày rằm tháng 7 ở Bắc bộ nhiều hơn, sau ngày 23 tháng mười âm lịch ở các tỉnh phía nam cũng thế… Thêm nữa là những hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan: mưa nhiều/ít, lũ/hạn, nóng/rét, bão thường/siêu bão… vẫn là rất hiếm gặp và thường kéo dãn ra cả hai phía, nhưng bây giờ gặp nhiều hơn và khi gặp nó sẽ rất mạnh, đồng thời sự lặp lại càng nhanh hơn. Để thích ứng với việc đó tôi cho rằng chúng ta phải đương đầu một cách tích cực hơn, thậm chí còn phải “tương kế, tựu kế” để thích ứng. Lợi dụng những “cơ hội cực đoan”, những tài nguyên khí hậu để nuôi trồng thủy, hải sản, để canh tác những giống cây, vật nuôi chịu hạn hay chịu mặn để làm giàu…

Theo ông, trong năm 2019 cần lưu ý những hiện tượng thời tiết cực đoan nào?

- Năm 2019 trên bình diện toàn cầu, các đồng nghiệp của chúng tôi trên thế giới đang đưa ra cảnh báo vẫn là nóng, thậm chí là nóng nhất trong lịch sử quan trắc của loài người từ khi có các quan trắc khí tượng. Việt Nam cũng phải đón nhận khuynh hướng này, thậm chí là năm nóng hơn so với mức trung bình, nhưng lại không nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Trong thời điểm này không thể nói mưa bão có nhiều hơn hay ít hơn, vì bây giờ, mưa bão kéo hết năm này qua năm khác, đến tháng 12 vẫn có bão. Cái gọi là bão theo mùa đang thành bão quanh năm, nơi ít bão thì nay nhiều lên, nơi nhiều bão thì nay bão lại mạnh lên…

Đặc biệt, theo dự báo mới nhất, hiện tượng El Nino có thể sẽ quay trở lại ở mức trung bình vào giai đoạn đầu 2019. El Nino đi kèm hạn hán, nắng nóng, ít mưa và nhiều hiện tượng trái quy luật như mưa trái mùa, dông tố lốc sét cũng có thể nhiều hơn.

Thích ứng với biến đổi khí hậu, chính là sống chung với thiên tai, chấp nhận thiên tai như là những thứ không thể khác. Chúng ta cần tận dụng những cơ hội từ biến đổi khí hậu mang lại. Cách tốt nhất để tối ưu hóa các hoạt động của mình - đặc biệt là các hoạt động kinh tế - xã hội trong tương lai sắp tới - bài học rút ra vẫn là nên cập nhật thường xuyên các bảng tin dự báo thời tiết dài, vừa, ngắn hạn của chúng tôi.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến rất gần và một trong những điều mà người dân quan tâm nhất hiện nay là thời tiết Tết ở các vùng sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay có nhiều báo chí đưa tin từ nay đến Tết là thời tiết ấm, có thể nóng như mùa hè, có thể có những biến động khác thường. Nhưng cho tới thời điểm này qua các dự báo mới nhất, chúng tôi có thể khẳng định trước Tết sẽ không có nóng hay nắng nhiều ở Bắc Bộ và Thanh – Nghệ - Tĩnh. Và dự báo dịp Tết sẽ rét ở miền Bắc. Vào những ngày giáp Tết 28, 29, 30 âm lịch vẫn có không khí lạnh tràn về làm cho Tết trở nên rét hơn, kéo dài 4-5 ngày, toàn bộ Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ chìm trong giá rét. Tuy nhiên đợt rét này không đến mức rét đậm, rét hại - nghĩa là Tết này sẽ không có nắng, không có ấm đậm và không quá rét. Nhìn trên biểu đồ thời tiết, kỳ nghỉ Tết năm nay rất lý tưởng, nhất là với miền Bắc, chúng ta sẽ cảm nhận được một cái Tết đúng với tiết trời của rất nhiều cái Tết mà chúng ta đã từng trải qua trong quá khứ. Và tuy có biến đổi khí hậu, nhưng thời tiết Tết năm nay vẫn như các Tết xưa, Tết của các Cụ, các ông bà, bố mẹ chúng ta ngày xưa…

Trân trọng cảm ơn ông!

Dự báo thời tiết Tết các miền

Những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có nhiệt độ ban ngày từ 17-20 độ C, đêm từ 12-15 độ C ở đồng bằng Trung du, 7-10 độ C ở vùng núi phía Bắc kèm mưa nhỏ, mưa phùn.

Ở các tỉnh Trung Bộ, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng kéo dài cho đến tận Khánh Hòa nửa đầu kỳ nghỉ Tết có mưa và mưa nhỏ, trời khá lạnh với nhiệt độ ban ngày từ 20-23 độ C, đêm từ 17-20 độ C.

Cùng với đó Tây Nguyên- Nam Bộ có chút se lạnh, có thể có mưa trái mùa một số ngày trong giai đoạn đầu kỳ nghỉ, không có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ban ngày từ 29-32 độ C, ban đêm từ 21-25 độ C.

Cũng theo đó, nửa cuối kỳ nghỉ Tết, miền Bắc sẽ chuyển sang giai đoạn thời tiết đặc trưng của mùa xuân với mưa phùn ẩm ướt, lạnh ban ngày, rét ban đêm. Ban ngày 21-14 độ C, ban đêm khoảng 15-18 độ C ở đồng bằng Trung du Bắc Bộ, vùng núi thấp hơn khoảng 3-5 độ C.

Ven biển Trung bộ mưa giảm, nhiệt độ tăng đáng kể, cao nhất ban ngày từ 24-27 độ, thấp nhất 20-23 độ C. Tây Nguyên- Nam bộ giai đoạn cuối của kỳ nghỉ Tết sẽ nóng bức, khô với nhiệt độ cao nhất lên 30-35 độ C, đêm 24-27 độ C.

Hoàng Yến (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/khong-co-mot-du-bao-hoan-hao-tintuc428051