Không có miếng pho mát nào miễn phí

Hình thức cho khách hàng mua trả góp với các sản phẩm như điện thoại, máy tính, điện máy…khiến khách hàng muốn sở hữu những sản phẩm đình đám có thêm một cơ hội thực hiện những ước mơ. Với những chiêu trả góp 0% hình thức này lại càng lôi kéo được nhiều khách hàng tiếp cận.

Mua hàng với lãi suất khủng mà không biết

Hầu hết ở các siêu thị điện máy, siêu thị di dộng… đều có dịch vụ mua hàng trả thẳng hoặc mua hàng trả góp. Các thông tin ở đây đều niêm yết rất công khai và minh bạch. Cái minh bạch, công khai đó giúp khách hàng phần nào ý thức và cân đối được dòng tiền của mình để tham gia vào việc mua hàng trả góp.

Chị Nguyễn Thanh Thúy (quận Đống Đa, Hà Nội) vốn từ lâu đã thích chiếc iPhone XS, do màn hình lớn cùng với chức năng chụp ảnh khá chuyên nghiệp của nó. Thế nhưng với giá thành đến thời điểm đã có IPhone 11, thì chiếc IPhone XS này vẫn có giá xấp xỉ 24 triệu đồng. Với ngân sách của mình, bỏ một lúc ra 20 triệu đồng để sở hữu chiếc điện thoại này là không thể, thế nên chị đã đồng ý ký vào hợp đồng để mua trả góp.

Nghe giới thiệu về chính sách cho vay với lãi suất 0% có vẻ cũng hấp dẫn. Thế nhưng khi tìm hiểu thì để được nhận “ưu đãi” này, chị cũng phải đáp ứng một số điều kiện, ví dụ như phải trả trước 50% giá trị sản phẩm, cộng với việc chỉ được chọn mức chi trả nợ vay trong vòng từ 6 – 8 tháng. So với giá gốc chiếc điện thoại là 24 triệu đồng, thì số tiền trả lãi và gốc hàng tháng trong vòng từ 6 – 8 tháng cũng tương đối cao để nhận gói vay này. Vậy nên, để an toàn, chị Thúy đã chấp nhận ký gói trả góp trong vòng 12 tháng.

“Ban đầu vì háo hức có chiếc điện thoại mình thích với tài chính eo hẹp, tôi đã không tính toán nhiều. Thực tế thì việc duyệt hồ sơ của gói vay này khá đơn giản, việc trả nợ hàng tháng không quá khó khăn, cũng tiện lợi. Thế nhưng khi sự thỏa mãn, sự háo hức qua đi, nhìn vào “hành trình” trả nợ, số tiền thực tế phải trả cho chiếc điện thoại tôi mới hết hồn”, chị Thúy nói.

Bởi theo chị, giá của chiếc điện thoại khi niêm yết là 24.990.000 đồng, nếu trả thẳng thì sẽ được giảm giá 1 triệu, là 23.990.000 đồng. “Và với 50% của 23.990.000 đồng là 11.995.000 đồng tôi phải trả ngay, thì tôi phải vay của Cty tín dụng ở đó số tiền tương ứng là 11.995.000 đồng, trả trong 12 tháng, mỗi tháng 1.313.000 đồng. Và với việc ký hợp đồng gói này, số tiền thực tế tôi phải trả cho chiếc điện thoại của mình là 27.751.000 đồng. Chênh với số tiền niêm yết là 3.761.000 đồng” - chị Thúy cho biết.

Lúc này, nhìn vào số tiền chênh lệch đã thấy tăng hơn với số tiền niêm yết kha khá. Nhưng chưa hết, chị Thúy phân tích tiếp: “Bởi do tôi đã trả trực tiếp số tiền 50% trước rồi, thế nên thực tế tôi chỉ phải chịu lãi số tiền 50% còn lại tôi đã vay của Cty tài chính đó. Và số tiền chính xác là 11.995.000 đồng. Vậy số tiền chênh kia tôi đang hiểu là tiền lãi tôi phải gánh cho số tiền còn lại tôi trả góp, thế thì với 11.995.000 đồng và số tiền chênh 3.761.000 đồng, có nghĩa tôi đang vay lãi với lãi suất gần 30%/năm”.

Cho vay mua hàng với lãi suất 0%. Ảnh tư liệu

Cho vay mua hàng với lãi suất 0%. Ảnh tư liệu

Không có miếng pho mát nào miễn phí

Làm lâu trong lĩnh vực máy tính, điện thoại, chị Nguyễn Thị Nguyệt, GĐ Cty TNHH Công nghệ Tầm Nhìn (Lý Nam Đế, Hà Nội) cho biết, bản thân Cty chị cũng có nhiều lời mời hợp tác của các Cty tài chính. “Thực tế thì khi hợp tác với họ, chúng tôi không thiệt hại gì, thậm chí khách hàng có số tiền ban đầu eo hẹp có thể có thêm cơ hội. Tiền chúng tôi nhận đủ, sản phẩm bán được, còn việc trả nợ và đòi nợ thuộc về Cty tài chính kia.” Thế nhưng sau một vài khách hàng được “hỗ trợ” như thế, chị Nguyệt đã kiên quyết từ chối lời mời hợp tác với Cty nọ.

Chị phân tích, tất cả các gói hỗ trợ 0% hay bất kỳ ưu đãi nào khác đều chỉ là một cái bẫy. Với gói vay với lãi suất 0%, khách hàng sẽ thường phải mua đắt hơn giá sản phẩm từ 1 – 2 triệu đồng. “Thường các cửa hàng sẽ phối hợp với đơn vị tài chính áp dụng chiêu bài sau, giá của sản phẩm là 24 triệu đồng và bởi lý do này, lý do khác… sản phẩm sẽ được giảm 1 triệu đồng. Nhưng giá ưu đãi này lại không được áp dụng với khách hàng có gói vay 0%. Tức là so với khách hàng trả thẳng, hoặc với khách vay có lãi, khách hàng “được” ưu đãi lãi suất 0% đã phải trả hơn 1 triệu. Và tiếp đó là phí dịch vụ giao động từ 200 – 300 nghìn đồng, như vậy vốn sản phẩm đã tăng lên hơn 1,2 đến 1,3 triệu đồngrồi. Thế còn gì là “ưu đãi lãi suất 0%”, chị Nguyệt phân tích.

Hơn nữa, chị chỉ ra cách tính của đơn vị tài chính rất không minh bạch. “Nguyên tắc khi tính lãi của gói vay, số tiền gốc giữ nguyên, nhưng số tiền lãi sẽ phải giảm dần do số tiền gốc giảm. Nhưng ở đây, khi cào bằng các tháng như thế, có nghĩa số tiền gốc giảm, nhưng số tiền lãi vẫn theo số gốc vay ban đầu. Như thế, nếu tính một cách chi tiết, lãi suất mà khách hàng phải gánh không chỉ dừng ở con số 20, 30% nữa”.

Đằng sau miếng pho mát miễn phí đó là chiếc bẫy chuột, chị Nguyệt nói, tưởng như khách hàng đang được tặng miếng pho mát, nhưng thực ra lại đang phải è cổ ra trả nợ cho các đơn vị cho vay nặng lãi. “Đến như mình là người kinh doanh phải ngồi tính và xem xét mới nhận ra cái này, nói gì đến những em sinh viên còn non dại, những người dân quê thiếu hiểu biết” chị Nguyệt nói thêm.

Và từ “chiếc bẫy chuột” đó, rất nhiều người đã gặp những trường hợp dở khóc dở cười, thậm chí đối diện với việc bị khởi kiện theo Điều 25 khoản 3 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-co-mieng-pho-mat-nao-mien-phi-194868.html