Không có hỗ trợ, người lao động 'hết' lương vì sáng kiến (Kỳ 2)

Không chỉ động viên về mặt tinh thần, hoặc khen thưởng khi sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả, nhiều doanh nghiệp (DN) và công đoàn (CĐ) cơ sở còn hỗ trợ kinh phí cho người lao động (NLĐ) trong quá trình hình thành và triển khai các sáng kiến, cải tiến.

Doanh nghiệp, CĐ và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ để NLĐ có động lực tìm tòi sáng kiến. Ảnh minh họa: L.T

Công đoàn sát cánh trong giai đoạn thử nghiệm

Anh Hồ Phước Vĩnh - nhân viên lái xe cẩu Điện lực Hòa Thành (Cty Điện lực Tây Ninh - TCty Điện lực Miền Nam) là “cây sáng kiến” của đơn vị với nhiều sáng kiến cải tiến không chỉ làm lợi cho DN mà còn giúp đồng nghiệp của mình thuận lợi hơn trong công việc. Chia sẻ về những sáng kiến của mình, anh Vĩnh chia sẻ: “Nếu không có CĐ hỗ trợ thì các sáng kiến sẽ rất khó thành công và nó sẽ chỉ là ý tưởng trên giấy hoặc chỉ luẩn quẩn trong đầu của mình”.

Giải thích rõ hơn về lời chia sẻ của anh Vĩnh, ông Đỗ Dũng Anh - Chủ tịch CĐ Cty Điện lực Tây Ninh - cho hay: Anh Vĩnh cũng như tất cả những NLĐ khác, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất, tiền lương của anh chị em hầu hết đủ sống, hoặc có dư chút đỉnh. Trong khi đó, các sáng kiến, cải tiến không phải có ý tưởng rồi đưa vào thực tiễn là thành công ngay. Nhiều ý tưởng phải qua nhiều lần chỉnh sửa, thử nghiệm mới thành công, đưa vào thực tiễn được, tất nhiên là không loại trừ những lần thất bại.

“Nếu để NLĐ tự “bơi”, tự bỏ tiền ra để làm thì các ý tưởng sẽ rất khó thành hiện thực, do đó CĐ phải hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, CĐ huy động anh em kỹ sư, những người trong tổ sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật vì nhiều anh chị em có sáng kiến nhưng vì là công nhân trực tiếp sản xuất nên đôi khi kỹ thuật mới còn hạn chế, những lúc đó rất cần CĐ bên cạnh” - ông Đỗ Dũng Anh chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để NLĐ có thể hoàn thành những sáng kiến, cải tiến của mình, các DN đã phối hợp với tổ chức CĐ tại cơ sở có những phần thưởng có giá trị để động viên anh chị em. Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch CĐ TCty Công nghiệp In - Bao bì Liksin (TPHCM) - chia sẻ: Tại các nhà xưởng của DN có “trưng bày” một chiếc xe máy giá vài chục triệu đồng, đó như phần thưởng “độc đắc” cho những người có sáng kiến, cải tiến trong năm. Theo đó, những người có sáng kiến tiêu biểu của tháng, ngoài tiền thưởng của Cty, cuối năm sẽ tham gia bốc thăm trúng thưởng và phần thưởng chính là chiếc xe máy trưng bày.

Anh Nguyễn Thành Long (Cty CP In Nhãn hàng An Lạc - TCty Liksin) chia sẻ: “Phần thưởng chính là động lực để các anh chị em nỗ lực trong công việc, tìm tòi, suy nghĩ mỗi ngày. Điều đó không chỉ có lợi cho DN mà còn có lợi cho chính NLĐ”.

Có quỹ hỗ trợ sáng kiến nhưng ngại… xài

Thực tế, nhiều sáng kiến cải tiến được biết đến khi đã thành công hoặc mang lại lợi ích, tuy nhiên, để hỗ trợ NLĐ có sáng kiến, cải tiến thì điều quan trọng là cần có sự hỗ trợ cho các ý tưởng khi mới bắt đầu. Theo ông Trần Thanh Lãm - Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Cty TNHH MTV Caosu Thống Nhất (thuộc TCty Công nghiệp Sài Gòn), thì tại các DN thường có các quỹ hỗ trợ sáng kiến, cải tiến nhưng không phải… dễ xài.

Ông Lãm ví dụ, nếu sáng kiến cải tiến đó từ định hướng thay đổi, phát triển của Cty thì NLĐ sẽ được hỗ trợ để thực hiện hoặc chính khách hàng của DN sẽ bỏ chi phí để NLĐ thực hiện, vì cải tiến đó phục vụ cho đơn hàng của họ với điều kiện đó là khách hàng lớn, lâu dài. Tuy nhiên, nếu đó là sáng kiến của tự NLĐ thì không phải DN nào cũng “liều” để NLĐ thay đổi, nếu không thành công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, nhiều khi hư hỏng máy móc, đặc biệt nếu máy móc đó có giá trị tính bằng tiền tỉ.

“TCty Công nghiệp Sài Gòn nói chung và Cty TNHH MTV Caosu Thống Nhất nói riêng hằng năm đều trích từ lợi nhuận 5-20% để hỗ trợ cho các sáng kiến cải tiến của NLĐ. Tuy nhiên, hầu hết đều không xài hết. Không phải là NLĐ không có ý tưởng mà một khi đã dùng đến tiền của quỹ thì yêu cầu đặt ra là phải thành công, hiệu quả vì liên quan đến giải chi, hạch toán chi phí, dùng sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Cho nên NLĐ họ cũng e ngại, nhiều lúc ở Cty tôi, quỹ hỗ trợ sáng kiến không dùng hết phải chuyển về TCty” - ông Lãm nói.

Theo ông Lãm, không chỉ tại các DN mà các quỹ hỗ trợ sáng kiến, sáng tạo hiện nay, việc dùng tiền của các quỹ này không phải dễ khi mà còn liên quan đến hạch toán, báo cáo tài chính và đảm bảo thành công của sáng kiến. “Chính những rào cản đó nên quy mô sáng kiến, cải tiến hiện nay trong NLĐ còn nhỏ, chính DN cũng không dám làm lớn” - ông Lãm đánh giá.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/khong-co-ho-tro-nguoi-lao-dong-het-luong-vi-sang-kien-ky-2-620632.ldo