Không có hiện tượng chồng chéo khi BĐBP thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu

Khoản 3, Điều 15, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định BĐBP có quyền 'Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật'. Các văn bản pháp luật hiện hành cũng đều quy định, BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý đảm bảo an ninh quốc gia và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình xin ý kiến dự thảo Luật BPVN đã có một số ý kiến cho rằng có sự chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng Hải quan.

Lực lượng BĐBP và Hải quan cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng phối hợp kiểm soát hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu. Ảnh: Viết Hà

Lực lượng BĐBP và Hải quan cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng phối hợp kiểm soát hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu. Ảnh: Viết Hà

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới xác định BĐBP có nhiệm vụ: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới, ngăn chặn và xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới” và Thông báo số 165-TB/TW ngày 22-12-2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP xác định BĐBP có nhiệm vụ: “Chống các hoạt động xâm nhập, vượt biên phá hoại an ninh, trật tự của địch và các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ qua biên giới”.

Ngoài ra, Điều 49, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: “Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”. Khoản 3 Điều 47 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: “Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”. Điều 6 Pháp lệnh BĐBP năm 1997 quy định BĐBP có nhiệm vụ: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới”.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ Huy Biên Phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng tuẩn tra kiểm soát trên địa bàn cảng. Ảnh: Viết Hà

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), qua nghiên cứu dự thảo Luật cho thấy, quy định lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật còn có ý kiến chồng lấn với chức năng nhiệm vụ của lực lượng Hải quan. Tuy nhiên, thực tiễn, cũng như quá trình giám sát trên biên giới Cao Bằng, chúng tôi chưa thấy sự chống chéo, mà hai lực lượng đã có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho công tác xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.

Trong Luật BPVN đã quy định rõ BĐBP chỉ kiểm tra người và phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm, một điểm nữa là BĐBP là lực lượng vũ trang, toàn bộ phạm vi biên giới do BĐBP đảm nhận quản lý, nên quy định như vậy là hợp lý, không có sự chồng chéo nhiệm vụ, hay BĐBP làm thay nhiệm vụ của Hải quan. “Thực tế trong thời gian qua, BĐBP vẫn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm một cách hiệu quả. Ngoài ra, trong thời gian qua BĐBP đã phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu đấu tranh thành công nhiều chuyên án vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu” - đại biểu Bế Minh Đức cho biết.

Có ý kiến đề xuất rằng, nơi nào không có lực lượng Hải quan thì BĐBP mới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức chỉ ra: “Trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, cần có sự phản biện để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính thực thi khi ban hành. Nhưng với ý kiến như vậy, thực sự chưa có thực tiễn biên giới. Lực lượng Hải quan không thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của BĐBP. BĐBP có lực lượng, phương tiện, có tư cách pháp lý để giải quyết được những vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, cửa khẩu. Nếu ở cửa khẩu thiếu bóng dáng BĐBP tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến công tác giao thương hàng hóa và việc đi lại của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung”.

Thực tế, qua công tác giám sát, khảo sát biên giới của Đoàn Đại biểu Quốc hội Cao Bằng cho thấy, giữa lực lượng Hải quan và BĐBP chưa có ý kiến về sự chồng chéo, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của nhau; hai bên có sự phối hợp hoạt động rất tốt, tạo điều kiện xuất, nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân quan lại biên giới. Ngoài ra, những đường, mòn, lối mở qua biên giới, chưa có Hải quản, BĐBP thực hiện chức năng nhiệm vụ rất tốt, hiệu quả.

“Trong công cuộc phòng, chống Covid-19, người qua lại biên giới, cửa khẩu rất lớn, BĐBP đã thực hiện chốt chặn, tại các đường mòn, lối mở ngăn chặn người nhập cảnh trái phép; phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác nhập cảnh cho công dân về nước và phân luồng cách ly hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng” - đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn kiểm tra phương tiên quan lại cửa khẩu. Ảnh: Viết Hà

Để có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về quy định này, chúng tôi đã trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội và các đại biểu đồng tình cao với quy định BĐBP kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm tại biên giới, cửa khẩu. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ có nhiều chính sách cải cách hành chính tại cửa khẩu, cảng biển, tạo sự thông thoát cho xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhiều đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng cấm; buôn lậu, gian lận thương mại, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay BĐBP vẫn thực hiện nhiệm vụ này và phát huy hiệu quả trong việc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt tội phạm ma túy. Đối với BĐBP Hà Tĩnh, nhiệm vụ này được thực hiện rất hiệu quả, điều tra, phá nhiều chuyên án, vụ án ma túy lớn ngay tại cửa khẩu. Theo dự báo tình hình, tình trạng lợi dụng chính sách mở cửa của Đảng, Nhà nước để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy… qua cửa khẩu sẽ diễn biến phức tạp, nên quy định như dự thảo Luật BPVN là rất cần thiết, nhưng cần có phân công, phân cấp đầy đủ, rõ ràng, trong đó có quy chế phối hợp, tạo điều kiện để BĐBP, các lực lượng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên địa bàn cửa khẩu. Nhưng cần lưu ý một điều, phải đưa ra cơ sở pháp lý nâng tầm, giao trách nhiệm cho BĐBP trong kiểm tra, kiểm soát các dấu hiệu vi phạm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, an toàn, trật tự tại cửa khẩu biên giới.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-co-hien-tuong-chong-cheo-khi-bdbp-thuc-hien-kiem-tra-kiem-soat-tai-cua-khau-post429845.html