Không có giải pháp tối ưu cho vấn đề chống ngập tại TP.HCM?

Cơn bão số 9 gây mưa lớn khiến hầu hết các tuyến đường, nhà dân trên nhiều quận, huyện TP.HCM ngập nặng. Bài toán nan giải chống ngập cho TP.HCM một lần nữa được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra bàn thảo.

Bão số 9 gây mưa lớn ở TP.HCM khiến thành phố ngập trên diện rộng.

Cần nhìn nhận đúng về hậu quả của ngập nước

Ngày 5/12, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo Tìm giải pháp chống ngập. Hội thảo do báo Tiền Phong phối hợp Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố cho biết, đến nay chưa có ước tính tổn thất do ngập nước thời gian qua, nhưng ngập nước ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nên công tác chống ngập là rất quan trọng. Ông Thành cho rằng, tình trạng ngập nước của thành phố do dân số quá đông, phát triển nhanh; cơ sở hạ tầng quá tải (thoát nước, kẹt xe, ô nhiễm…).

Ngoài 2 yếu tố trên còn có nguyên nhân do địa hình thấp, nền đất bị sụp lún, triều cường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, bê tông hóa; san lấp kênh rạch, chặn luồng thoát nước…

Về giải pháp, ông Thành cho rằng, cần có thống kê tính toán tổn thất xã hội do ngập hàng năm để "nhìn nhận đúng về hậu quả của ngập nước".

Ông Đỗ Tấn Long nêu thực trạng ngập tại TP.HCM.

Trong khi đó, tại hội thảo, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập TP.HCM thông tin, trong gần 20 năm qua, tình trạng ngập trên địa bàn thành phố xảy ra ngày càng nghiêm trọng do mưa và triều cường.

Theo ông Long, giai đoạn 2011-2015, thành phố ưu tiên chống ngập khu lõi trung tâm TP thuộc các quận: 1, 3, 5, 6, 11, Tân Phú, Bình Tân.

“TP.HCM còn nhiều khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát dài 32 km, rạch Xuyên Tâm dài 3,2 km; thiếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cải tạo rạch: Bàu Trâu, Ông Búp, Bà Tiếng, Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh… Hiện các dự án trên vẫn bất động”, ông Long nói.

Không có giải pháp tối ưu cho chống ngập TP.HCM

Tại TP.HCM, nguyên nhân chính gây ngập là triều cường, lũ và mưa. TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường cho rằng, bản chất chống ngập là cần "dắt mưa ra ngoài và ngăn triều, lũ tiến vào".

Vị Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường khẳng định: “Không có giải pháp nào tối ưu nhất cho chống ngập TP.HCM. Song, nếu chúng ta có những bài toán tổng hợp thiệt hại về kinh tế, xã hội… thì từ đó mới có bài giải phù hợp”.

Để giải bài toán chống ngập, GS Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM nêu giải pháp, Thành phố nên lắp cửa van ngăn triều tại các vùng trũng thấp gần cửa sông, kênh rạch ngăn triều cường. Đồng thời lắp máy bơm đồng loạt tại các khu vực xảy ra ngập nặng, bơm thoát nước khi mưa lớn đổ xuống và hoàn thiện nâng cấp cốt nền đường dần dần.

GS Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM cho rằng, không có giải pháp nào tối ưu nhất chống ngập cho Thành phố. (Ảnh: N.T)

Theo GS Niên, Thành phố đang kỳ vọng dự án ngăn triều chống ngập có xét yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) của Trung Nam Group sớm hoàn thành; máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung phát huy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, siêu dự án 10.000 tỷ đồng ngăn ngập do triều đang bị ngưng trệ 7 tháng nay do vấn đề giải ngân; hàng loạt dự án khác đang bị treo do chưa giải quyết vấn đề đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Trong khi đó, TS. Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển đô thị cho biết, tình trạng ngập đã và đang tác động trực tiếp khoảng 3 triệu dân. TP.HCM nên gấp rút thực hiện quy hoạch 752 (Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 - PV), cải tạo các kênh rạch và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, trạm bơm; sớm hoàn thiện dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng; xây hồ điều tiết… để chống ngập.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho biết, sau 7 năm ròng rã nghiên cứu và sáng chế siêu máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh thì phát hiện thủ phạm chính gây ngập cho TP.HCM chính là... cốt nền thấp.

65% diện tích bị ngập, đa phần cốt nền những vị trí này nằm tầm 1,5m trong khi thủy triều cao 1,68m, chưa kể nước biển dâng… Kèm theo đó, trung bình TP.HCM sụt lún khoảng 5cm/năm.

Đa phần các giáo trình chống ngập đều nói đến vấn đề thoát nước phải có cống, có độ dốc, phải có hồ điều tiết… nhưng với cốt nền thấp như TP.HCM thì chỉ dùng máy bơm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khong-co-giai-phap-toi-uu-cho-van-de-chong-ngap-tai-tphcm-post283984.info