Không có cơ chế để UBND TP. Hà Nội bắt dân phải trả lãi cho doanh nghiệp khi mua nước?

Không chỉ chấp thuận đề xuất việc dùng ngân sách trả cho các công ty mua lại nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống mà UBND TP.Hà Nội còn cho phép cả doanh nghiệp này tính luôn khoản lãi vốn vay vào giá bán nước. Việc làm này của UBND TP Hà Nội đã đi ngược quy định tính giá nước của Bộ Tài chính, làm trái các nguyên tắc trong Thông tư 32 của Chính phủ về sử dụng ngân sách.

Hình ảnh nhà máy máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao

Hình ảnh nhà máy máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao

Ngân sách mất vài trăm tỉ mỗi năm vì mua nước của sông Đuống?

Như Ngày Nay đã thông tin, việc phải mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ dẫn đến hệ lụy là nhiều công ty cung ứng nước sạch tại Hà Nội đứng trước nguy cơ phá sản vì giá mua vào đắt hơn giá bán ra. Giải quyết việc này, UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất dùng ngân sách để trợ giá cho phần dôi dư với số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Trước những vấn đề bức xúc của dư luận về việc Nhà máy nước mặt sông Đuống được phép bán nước với giá tạm tính là 10.246 đồng/m3, đại diện Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, việc đàm phán giá với Nhà máy Nước mặt sông Đuống là thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội, đơn vị không tham gia vào việc này. Nếu tham gia chúng tôi chỉ với vai trò là đơn vị giám sát chứ không nêu lên ý kiến, chỉ trừ khi cử tri lên tiếng chúng tôi mới có ý kiến…

Hình ảnh ghi lại tại lễ khánh thành giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt sông Đuống

Ngày 9/1/2019, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có cuộc họp với tập thể lãnh đạo UBND thành phố để xem xét tạm thời cấp bù kinh phí khi dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động.

Mục 1 của Thông báo số 28/TB-UBND về kết luận của cuộc họp này nêu rõ, chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Liên ngành: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống tại Tờ trình số 9068/TTrLS: TC-XD-NSHN-NS2-NMSĐ ngày 27/12/2018.

Tại Tờ trình số 9068/TTrLS: TC-XD-NSHN-NS2-NMSĐ ngày 27/12/2018 phía Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đề xuất Về giá bán buôn nước mặt sông Đuống phía đơn vị này đã có Văn bản thỏa thuận giá bán nước sạch gửi các đơn vị lưu thông nước thông báo giá bán buôn nước là 10.246 đồng/m3.

Phía đơn vị này cũng chấp thuận phê duyệt phương án bán nước sạch tạm thời của Nhà máy nước mặt sông Đuống theo văn bản số 3310/UBND-KT ngày 6/7/2017 của UBND thành phố Hà Nội để làm cơ sở phát nước thương mại.

Trong văn bản 3310/UBND-KT nêu, Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính. Mức giá này đã bao gồm tính toán cả phần trả lãi cho khoản vay vốn đầu tư xây dựng của đơn vị chủ đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Hiện nay, do Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP. Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.

Giá nước Viwaco bán cho người dân khu vực Tây Nam Hà Nội ở bậc 1- bậc 3 có giá thấp hơn mức giá Hà Nội mua của nhà máy nước Sông Đuống

Với việc tính giá như thế này, phía Liên ngành phía thành phố Hà Nội đã đề xuất, trong thời gian chưa có giá chính thức trên cơ sở số liệu tổng hợp chi phí lưu thông thì đề nghị UBND thành phố xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống chi phí thiết yếu cơ bản phát sinh hàng tháng với giá: 8.871,17/m3, tương ứng 86% giá nước của sông Đuống.

Cùng với đó, với giá bán buôn là 7.700 đồng/m3 mà Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đang bán cho các đơn vị lưu thông nước thì số tiền dự kiến phải bù giá năm 2019 sẽ là gần 200 tỷ đồng.

Như vậy, dù là giá tạm tính 7.700 đồng/m3 thì hiện nay thành phố Hà Nội vẫn phải bù tới gần 200 tỷ trong năm 2019 và khoản tiền này sẽ được lấy từ ngân sách thành phố...

Cơ chế nào bắt ngân sách phải bù tiền mua nước?

Về việc định giá nước, theo Bộ Tài chính, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.

Về viện dẫn cụ thể điều khoản chi tiết tại Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện và chi phí lãi vay, Bộ Tài chính cho biết, thẩm quyền quyết định chi ngân sách cho cấp bù giá nước sạch đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

"Về chi phí lãi vay, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hóa vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hóa tránh tính trùng chi phí”, Bộ Tài chính cho biết.

Về việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, Bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống. UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.

Bộ Tài chính khẳng định: Không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống

Cũng theo Bộ Tài chính, trường hợp địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đơn vị cấp nước, Bộ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án giá nước sạch cho từng đơn vị. Đồng thời, thẩm quyền phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt thuộc UBND cấp tỉnh.

Cũng về vấn đề này, trả lời phóng viên báo chí, TS. Nguyễn Đức Kiên - chuyên gia kinh tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận định, Hà Nội cần lý giải tại sao cùng một nguồn nước sạch cấp cho người dân mà Hà Nội lại chấp nhận mua hai giá.

“Việc chất lượng nước sạch sông Đuống được đánh giá là có thể uống tại vòi, công nghệ này sạch hơn nhà máy nước sạch sông Đà, thì điều này theo tôi, trước hết chúng ta không biết được tiêu chuẩn của nước sông Đuống như thế nào, chẳng khác nào một nửa thành phố uống nước sạch, một nửa thành phố phải uống nước bẩn”, TS. Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến.

Theo ý kiến phân tích của TS. Kiên thì hiện tại nước của sông Đà đang bán với giá rất rẻ so với nước của sông Đuống.

Cụ thể, theo quyết định được phê duyệt, nước sông Đà được bán với giá năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồngm3. Với mức giá này, Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) vẫn báo lãi lớn, thậm chí là bán 2 đồng lãi 1 đồng. Trong khi đó, nước sông Đuống bán giá cao gấp đôi sông Đà thì không rõ hoạch toán tài chính sẽ như thế nào?

Với việc nước sông Đuống được phép bán với giá cao ngất ngưởng, theo TS. Kiên thì: Cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là UBND TP. Hà Nội phải có câu trả lời cụ thể để dư luận cũng như người dân an tâm hơn…

Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Nhóm PV

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/khong-co-co-che-de-ubnd-tp-ha-noi-bat-dan-phai-tra-lai-cho-doanh-nghiep-khi-mua-nuoc-159872.html