'Không có chuyện Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine'

Tuyên bố trên được Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đưa ra khi nói về thông tin Mỹ đòng băng gói viện trợ quân sự dành cho Ukraine.

Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời bà Jen Psaki nêu rõ, Mỹ bác bỏ hoàn toàn các thông tin bịa đặt về việc nước này ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời gọi đây là "động thái cáo buộc vô nghĩa".

"Khi thượng đỉnh Mỹ - Nga chưa diễn ra, chúng tôi đã cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 150 triệu USD cho Ukraine. Và tại cuộc gặp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, Tổng thống Biden tiếp tục cam kết hỗ trợ nước này trước những mối nguy về an ninh", bà Psaki nhấn mạnh.

Hệ thống AN/TPQ-49 Mỹ chuyển cho Ukraine.

Hệ thống AN/TPQ-49 Mỹ chuyển cho Ukraine.

Quốc hội Mỹ cũng đã chuẩn bị một "quỹ dự phòng quân sự" cho Ukraine và sẽ giải ngân trong trường hợp khẩn cấp. Tuyên bố của và Jen Psaki được đưa ra sau khi tờ Politico có bài viết cho rằng, Washington dừng viện trợ cho Kiev thời điểm thượng đỉnh Mỹ - Nga sắp diễn ra và Nga khi đó khẳng định rút bớt binh sĩ khỏi khu vực biên giới giáp Ukraine.

"Đây rõ ràng là thông tin bịa đạt", bà Jen Psaki nhấn mạnh. Ngay trước khi phát ngôn viên Nhà Trắng có tuyên bố trên, hãng thông tấn Reuters của Anh dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Mỹ bắt đầu thực hiện đợt chuyển giao lô vũ khí và thiết bị quân sự mới cho Ukraine theo cam kết.

Gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 150 triệu USD cho Ukraine, bao gồm radar chống pháo, thiết bị tác chiến điện tử và công nghệ chống máy bay không người lái nhằm giúp Kiev khi căng thẳng với Nga.

Đợt hỗ trợ lần này được chính phủ Mỹ cam kết sẽ hoàn thành chuyển giao trước tháng 9/2021. Ngoài số vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 150 triệu USD nói trên còn có các tàu tuần tra Mark VI được trang bị vũ khí và Javelin (chưa xác định số lượng) cũng nằm trong đợt hỗ trợ mới.

Căng thẳng Nga và Ukraine bùng phát trong những tháng gần đây sau khi Nga và Ukraine đổ lỗi cho việc gia tăng giao tranh ở khu vực Donbass của Ukraine, và Nga, trong cuộc tập trận phòng thủ, đã tập trung quân đội sát biên giới với Ukraine và ở Crimea.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy hồi đầu tuần rằng ông sẽ giúp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Biden và nhà lãnh đạo Nga - Vladimir Putin tại Geneva vào ngày 16/6.

Một trong những điều kiện Mỹ đưa ra khi chuyển Javelin cho Ukraine là buộc Kiev phải cất giữ hệ thống tên lửa chống tăng Javelin ở phía tây đất nước, cách xa khu vực xung đột phía đông. Nhưng giới chuyên gia cho rằng tình hình phức tạp tại miền Đông có thể khiến Ukraine phá vỡ cam kết.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mike Howard cho biết: "Javelin là vũ khí phòng thủ và Mỹ hy vọng Ukraine triển khai chúng một cách trách nhiệm và chiến lược khi cần thiết cho mục đích phòng thủ".

Nếu tên lửa Javelin được di chuyển, điều đó cũng không nhất thiết có nghĩa là chúng sẽ được sử dụng. Nhưng Kiev cho rằng, ngưỡng để thực sự triển khai vũ khí này vẫn chưa tới. Nguồn tin tiết lộ, "làn ranh đỏ" sẽ là khi xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine.

Một quan chức thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về di chuyển tên lửa Javelin cũng đều chưa đến cấp tổng thống và chưa có quyết định về việc có triển khai chúng hay không.

Trong khi việc triển khai Javelin hay không vẫn chưa rõ ràng thì người ta đã nhìn thấy những hệ thống radar chống pháo binh tối tân AN/TPQ-49 hiện diện không quá xa khu vực xung đột ở miền đông. Được biết, đây là hệ thống đã được Mỹ chuyển cho Ukraine trước đó.

Hệ thống radar AN/TPQ-49 được phát triển để có thể chống lại các mối đe dọa từ hỏa lực pháo binh của đối phương, nó có thể xác định ngay lập tức vị trí trận địa pháo binh của địch từ ngay trong loạt đạn đầu tiên.

AN/TPQ-49 có thể xác định chính xác tọa độ hỏa lực của địch với độ sai lệch thấp trong phạm vi từ 5-10km. Ngoài ra, AN/TPQ-49 có thể thực hiện chế độ giám sát liên tục với góc quét 360 độ nhờ sử dụng một ăng-ten radar 3D cố định, điều này giúp AN/TPQ-49 có thể theo dõi và phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc trong một khu vực giám sát cực rộng.

Không những vậy, AN/TPQ-49 còn có thể được tùy chỉnh để thực hiện chế độ giám sát ở một hướng cố định, với khả năng cung cấp dữ liệu theo thời gian thực.

Việc Mỹ cung cấp vũ khí và khí tài cho Ukraine được nhà báo - chuyên gia quốc phòng Artyr Balaev của Ukraine cho rằng động thái này có thể chọc giận Nga. Nhưng để duy trì sự ổn định trong khu vực, Mỹ sẵn sàng làm điều đó.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/khong-co-chuyen-my-ngung-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-3434094/