Không có chuyện dừng lại!

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được đẩy lên thành cao trào 'không ai có thể ngoài cuộc', đúng với tinh thần kiên quyết, thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, gần đây một số ý kiến đã viện dẫn những lý do khác nhau nhằm ngụy tạo, biện minh cho sai phạm, gây phân tâm dư luận.

“Không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) nêu rõ quan điểm.

Từ khi cao trào chống tham nhũng được đẩy mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, nhiều “vùng nóng” đã được thanh tra, kiểm tra toàn diện, cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm và hàng loạt cán bộ chủ chốt phải chịu trách nhiệm từ kỷ luật hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Nổi cộm trong số đó chính là sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Từ năm 2005 đến 2017, PVN đã trải qua 4 đời chủ tịch và cả 4 cựu lãnh đạo trên đều bị truy cứu hình sự do liên quan đến tham nhũng.

Ông Đinh La Thăng - Chủ tịch PVN từ 2005-2011 - bị tuyên án 18 năm tù vì làm thất thoát 800 tỉ đồng trong vụ góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và 13 năm tù trong vụ án liên quan đến Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC). Tháng 1-2019, ông Đinh La Thăng lại bị khởi tố thêm vì liên quan đến dự án ethanol Phú Thọ “đắp chiếu”.

Nối gót ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực - cựu Tổng Giám đốc, Chủ tịch PVN giai đoạn 2011-2014, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự.

Cựu Chủ tịch PVN giai đoạn 2014-2015 là ông Nguyễn Xuân Sơn cũng bị khởi tố và bắt giam trong đại án OceanBank - Hà Văn Thắm. Hiện, ông Nguyễn Xuân Sơn bị tòa phúc thẩm tuyên tử hình về tội “Tham ô tài sản”.

Kế gót ông Sơn, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch PVN giai đoạn 2016-2017 - bị khởi tố và bắt giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, tính đến nay, 4 đời Chủ tịch PVN là các ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ quan điểm “không có chuyện dừng lại và không thể dừng” trong chống tham nhũng. Ảnh TTXVN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ quan điểm “không có chuyện dừng lại và không thể dừng” trong chống tham nhũng. Ảnh TTXVN.

Cùng với đó, hàng loạt cán bộ dưới quyền và nhiều lãnh đạo tổng công ty, công ty trực thuộc PVN cũng dính vào vòng lao lý. Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã khép lại phiên xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP). Đây là một trong số các vụ án thuộc giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank cùng đồng phạm gây thất thoát gần 2.000 tỷ đồng.

Các bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1971) - cựu Trưởng Ban Tài chính PVEP; Vũ Thị Ngọc Lan (SN 1973) - cựu Phó Tổng Giám đốc PVEP và Đỗ Văn Khạnh (SN 1961) - cựu Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ dầu khí (PVD).

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của pháp nhân.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên Vũ Tuấn Hùng 20 năm tù; Vũ Thị Ngọc Lan 18 tháng tù và Đỗ Văn Khạnh 3 năm tù cùng về tội danh như cáo trạng truy tố.

Việc hàng loạt quan chức của tập đoàn mũi nhọn nền kinh tế đất nước, vốn coi như “quả đấm thép”, nay lần lượt dính vòng lao lý đặt ra rất nhiều vấn đề. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII có 6 ưu tiên về phát triển kinh tế biển thì ngành dầu khí chiếm 2/6 ưu tiên.

Có rất nhiều văn kiện của Đảng, của Trung ương và Bộ Chính trị xác định rõ vai trò, vị trí trọng yếu của ngành dầu khí trong nền kinh tế và bản thân ngành dầu khí cũng có một nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

Theo số liệu, thu ngân sách năm 2018, ngành dầu khí đóng góp 115.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng thu ngân sách. So với thời hoàng kim, con số này đã giảm (có thời kỳ ngành dầu khí chiếm khoảng 20-25% thu ngân sách nhà nước).

Một ngành trụ cột của nền kinh tế với đầy tiềm năng, triển vọng như thế mà suốt 12 năm (2005-2017), cả 4 đời lãnh đạo PVN thì tất cả đều sai phạm, cùng hàng loạt cán bộ trực thuộc và nhiều tổng công ty, công ty con.

Dựa vào sự thực này, gần đây đã có ý kiến phát biểu rằng, nếu cứ xử mạnh tay như vậy thì ngành dầu khí “lấy đâu ra cán bộ mà làm”, “khiến anh em chùn tay, e ngại không dám làm”... Và rằng, ngành mũi nhọn như dầu khí, phải xem xét công trạng, nói cách khác là “lấy công chuộc tội”!

Chúng tôi cho rằng, những lý lẽ nói trên là mang tính ngụy biện. Với một ngành được coi là “quả đấm thép” như dầu khí, sai phạm, thất thoát kéo theo bao nhiêu hậu quả đau lòng, làm thâm hụt cực lớn nguồn thu, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước. Sai phạm ở tập đoàn này không phải đơn lẻ, không phải hiện tượng mà mang tính hệ thống, kéo dài cả chục năm, suốt 4 đời lãnh đạo.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009-2015 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên.

Ban Thường vụ Đảng ủy PVN đã không kiểm tra, xử lý trách nhiệm với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm. Các đơn vị này hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm nhưng nhân sự liên quan vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp lên chức cao hơn.

Ban Thường vụ Đảng ủy PVN để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt Tập đoàn.

Bên cạnh việc chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm điểm trách nhiệm, để Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng, Thường vụ Đảng ủy PVN còn thiếu trách nhiệm trong tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết (số 233 ngày 17-8-2009) có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn đến Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.

Theo Ủy ban Kiểm tra, Ban Thường vụ Đảng ủy PVN đã để Hội đồng thành viên ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm quy định pháp luật.

Các vi phạm khác của Ban Thường vụ Đảng ủy PVN là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến Hội đồng thành viên và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào OceanBank mất 800 tỷ đồng. Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, khó thu hồi với tổng số tiền rất lớn...

Với sai phạm kéo dài, đặc biệt nghiêm trọng như vậy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, xử lý các vụ án liên quan đến PVN vừa thể hiện rõ tính nghiêm minh của luật pháp, vừa là cuộc “đại phẫu” để cứu một đầu tàu kinh tế tránh chệch đường ranh, buộc trở lại quỹ đạo của nó.

Do đó, không thể nói xử nghiêm là “hết cán bộ để làm”. Việc xem xét công, tội cũng đã được cơ quan kiểm tra, thanh tra đánh giá toàn diện khi xử lý kỷ luật và được hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình. Công trạng và tội trạng phải rõ ràng, không thể nói “lấy công bù tội” để xuê xoa, ngụy biện cho sai phạm.

Tại phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: Việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tới nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là con số rất lớn so với nhiều khóa gần đây.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn trong PCTN, góp phần chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhân dịp chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, trong quá trình kiểm tra, chỉ đạo cần phối hợp, tạo điều kiện cho các cấp ủy hoàn thành tốt các chương trình công tác, đặc biệt là công tác nhân sự.

“Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân, với đất nước. Không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

An Nhi

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/khong-co-chuyen-dung-lai-556883/