Không có chùa, ăn chay và những khác biệt ở Bhutan

Trong chuyến độc hành tới Bhutan, tôi tự mình nghiệm ra nhiều điều về đất nước và con người nơi hạnh phúc nhất thế giới này.

Tôi đến Bhutan một mình vào tháng 10, thời điểm đẹp nhất trong năm tại đất nước Rồng Sấm. Chuyến độc hành của tôi với sự dẫn đường của một tour du lịch đã đem đến hành trình độc đáo, thú vị mà tôi tự mình khám phá và chiêm nghiệm trên đất nước được mệnh danh là thiên đường cuối cùng nơi trần thế.

Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới

“Xứ sở hạnh phúc nhất” là danh xưng của người Bhutan. Quốc vương của họ xác định như vậy và người dân Bhutan tự hào vì điều đó. Thật ra, hạnh phúc là khái niệm tương đối trừu tượng, tùy thuộc vào văn hóa và cảm nhận của từng dân tộc, thậm chí từng cá nhân và được đánh giá theo những tiêu chí nào mới là điều quan trọng.

Người Bhutan luôn hài lòng với cuộc sống giản dị, mộc mạc, chan hòa với thiên nhiên. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Nếu có cuộc điều tra xã hội theo tiêu chí chung, tôi tin chắc, xứ sở hạnh phúc nhất của mỗi người là nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tiếng Anh có câu“No place like home” là vậy. Với tôi, Việt Nam là xứ sở hạnh phúc nhất. Với người Bhutan cũng vậy, việc họ tự hào về nơi chôn rau cắt rốn và coi mảnh đất đó là xứ sở hạnh phúc nhất cũng không có gì lấy làm lạ.

Tuy nhiên, với những du khách lần đầu đặt chân tới đất nước Rồng Sấm, cũng cảm nhận được đó là miền đất đáng sống bởi cuộc sống và thiên nhiên hài hòa nơi này.

Từ trên máy bay, trước khi xuống sân bay quốc tế Paro, qua rừng mây trắng bạc là dãy Hymalaya với những đỉnh cao trắng xóa và kiêu hãnh. Bạn có thể thấy rõ ngọn Kangchenjunga (8.586 m) và ngọn Jomolhari (7.326 m) từ trên độ cao này. Ở Bhutan, rừng chiếm gần 70 % diện tích, đa phần là rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại thực vật, nhất là cây thuốc.

Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới được phủ kín bởi những rừng cây xanh bạt ngàn. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Ở độ cao trên 2.000 m, những rừng thông 5 lá trải bạt ngàn xanh núi đồi. Leo núi ở Bhutan là cách "tắm rừng” độc chiêu, một liệu pháp chữa bệnh tuyệt vời. Cụ thể, sau nhiều giờ leo núi vã mồ hôi, hít thở không khí trong lành giữa rừng cây có tinh dầu và cây thuốc sẽ giúp bạn bổ phổi, thông khí quản, khỏe huyết mạch, đẹp da…

Đường sá Bhutan hẹp và ngoằn nghèo nhưng không có gương giao thông. Cả nước không có trạm thu phí, cũng không có đèn giao thông. Tại thủ đô Thimphu, thỉnh thoảng có cảnh sát giao thông điều tiết ở ngã tư vào giờ cao điểm. Quốc lộ không có đèn đường. Đèn ngoài phố ở Bhutan cứ tù mù như Việt Nam thời bao cấp. Chính phủ nước này cho rằng việc hạn chế đèn nhằm tiết kiệm và hạn chế khí thải. Bhutan là quốc gia duy nhất có khí thải âm.

Các phương tiện giao thông ở Bhutan có kiểu phân biệt khác lạ qua biển số xe. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ.

Phương tiện giao thông ở Bhutan cũng lắm điều lạ kỳ. Bhutan không có xe 45 chỗ, chỉ có một vài xe 30 chỗ, đa phần là xe 4-7 chỗ, 16 chỗ và 25-29 chỗ. Ở đây, ôtô nhiều gấp nhiều lần xe gắn máy. Giao thông công cộng chủ yếu là taxi. Các xe tải thường có mắt trên đèn xe, như mắt thuyền ở Việt Nam.

Bảng số xe phổ biến ở đây là BP (Bhutan Privite - xe tư nhân), BT (taxi), BG (Bhutan Government - xe công), RBP (Royal Bhutan Police - xe cảnh sát). RBA (Army - xe quân đội), RBG (Guard - cảnh vệ). Xe của Hoàng gia có biển số BHT. Xe vua có biển số đầy đủ là BHUTAN. Lái xe ở Bhutan là nghề khó nhọc, phải học và thực hành 6 tháng, được kiểm tra nghiêm nhặt cả về kỹ năng, tay nghề lẫn đạo đức. Đặc biệt, không hề thấy bóng dáng một chiếc xe đạp nào trên đường.

Người Bhutan yêu thiên nhiên, trọng truyền thống

Ngửa hai bàn tay ngang ngực, hơi cúi đầu và mỉm cười là cách chào truyền thống của người dân xứ sở hạnh phúc. Dân Bhutan sống chậm, nói năng nhỏ nhẹ, không thấy đánh lộn hay chửi thề. Họ nuôi bò lấy sữa và nuôi gà lấy trứng chứ không ăn thịt. Thịt dành cho du khách được nhập hầu hết từ Ấn Độ. Đi tới đâu ở Bhutan cũng thấy cây trái, rau củ. Mọi thứ hầu như đều gắn với thiên nhiên, ngay cả đến môn thể thao phổ biến tại quốc gia này, môn bắn cung, cũng gần gũi với thiên nhiên.

Những dải ớt khô treo trước cửa là nét độc đáo trong văn hóa thường ngày của người Bhutan. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ.

Bhutan sở hữu nền nông nghiệp hữu cơ nhiều quốc gia mơ ước. Chợ ở đất nước này bạt ngàn các loại rau, củ, nhiều nhất là ớt và cau. Ớt chín phơi đầy trên các mái nhà, treo lên các vách cửa để phơi nắng như nét chấm phá ngộ nghĩnh. Cau toàn loại chín nẫu, màu nâu sẫm, mới nhìn, du khách sẽ dễ lầm tưởng chà là, có mùi đặc trưng khó ngửi.

Người Bhutan không ăn cá, rất ít ăn thịt. Thức ăn của họ chủ yếu là gạo, bơ, một ít rau trộn trứng và rất nhiều ớt, tráng miệng chủ yếu là đồ ngọt. Cả chợ rộng thênh thang nhưng chỉ có một sạp nhỏ bán thịt bò, 2 sạp bé tẹo bán cá khô.

Bhutan không có kiến trúc nào kiểu châu Âu. Tất cả nhà cửa, công trình công sở, khách sạn đều được xây theo kiểu truyền thống. Chiều cao nhà tối đa cho các công trình ở Bhutan là 7 tầng. Mái nhà ở đất nước này thường có dạng bẹt, cửa sổ kính, thường là màu trắng. Nhà ở Bhutan thường được sơn màu vàng nhạt, thỉnh thoảng có vài nhà màu nâu. Nội thất trang trí tùy thích nhưng đa phần đậm chất Bhutan.

Người dân xứ sở hạnh phúc mặc trang phục truyền thống ở mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Robert Gold.

Về trang phục của người dân vương quốc Rồng Sấm, tất cả cán bộ nhân viên nhà nước, từ nhà vua đến thứ dân đều mặc trang phục truyền thống. Đồ có thắt ngang lưng của đàn ông gọi là“Gho”. Phụ nữ có váy dài gọi là “Kira”, áo gọi là “Toego”. Ra đường, chỉ có du khách mới mặc đồ Tây. “Gho” nam thường dùng vải caro nhỏ, không có các màu nóng hoặc sáng. “Teogo” nữ, thi thoảng có biệt lệ.

Khi vào tham quan các tu viện hay nơi công sở, đàn ông Bhutan thường choàng thêm dải khăn trắng từ trên vai trái xuống, gọi là “Kabney”. Trong khi đó, phụ nữ dùng khăn màu nhỏ hơn, gọi là Rachu. Hành động này thể hiện sự tôn kính và ngay thẳng.

Các tu viện, pháo đài là điểm tham quan hút khách du lịch tại Bhutan. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Thanh Hải.

Là quốc gia theo Phật giáo Kim cương thừa, Bhutan không hề có chùa mà chỉ có các tu viện, vốn là những pháo đài phòng thủ, bên trong có các điện thờ Phật, đồng thời là nơi tu hành của các tu sĩ. Đặc biệt, các tu viện không có chuyện đốt nhang, khấn vái tứ giăng.

Các pháo đài, tu viện cổ được xây bằng đá là những điểm tham quan ấn tượng, đặc trưng của Bhutan. Là dân tộc yêu chuộng hòa bình nên bên ngoài các pháo đài thường trồng hoa, bên trong là các điện thờ Phật vô ưu, biểu tượng cho lối sống thanh thản, không mưu cầu nhiều vật chất của người Bhutan.

Quốc gia này được quản lý theo mô hình hài hòa giữa truyền thống Á Đông và châu Âu. Chính phủ coi trọng chỉ số hạnh phúc của toàn dân hơn các chỉ số phát triển kinh tế đơn thuần. Thiên nhiên là tài sản vô giá được ban tặng cho mọi quốc gia. Đó là cội nguồn của sức mạnh đất nước và hạnh phúc dân tộc. Thông điệp này dường như đã thấm nhuần trong tư tưởng mỗi người dân vương quốc Rồng Sấm.

Ai cũng nên tới Bhutan một lần trong đời

Xuất phát điểm của Bhutan là đất nước lạc hậu. Trước năm 1960, nơi đây chưa có đường quốc lộ, người dân chủ yếu đi bộ, ngựa và lừa. Năm 1999, Bhutan mới cho phép phổ cập truyền hình. Nhờ cách quản lý tiên tiến, lấy thiên nhiên làm trung tâm và người dân là chủ đạo, Bhutan đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở 2 con số. Năm 2017, Bhutan đón gần 150.000 du khách. So với dân số và mức chi tiêu của du khách hiện nay, xét về hiệu quả, du lịch Bhutan bỏ xa nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Các điểm đến, các danh thắng quốc gia Bhutan đều không bán vé, trừ vài công trình tư nhân. Với du khách nước ngoài, tất cả vé tham quan đã có trong giá tour trọn gói.

Du khách quốc tế đông nhất tại Bhutan là người Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Bhutan không có du lịch phượt cho người nước ngoài. Muốn tới đất nước này, du khách đều phải thông qua các công ty lữ hành Bhutan mới được cấp visa, dù thủ tục đơn giản. Vào các điểm tham quan hay đến thành phố khác, hướng dẫn viên phải trình visa của khách.

Bhutan cuốn hút khách du lịch bởi vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, thay đổi qua mỗi mùa. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Bhutan không có di sản thế giới nhưng vẫn hấp dẫn khách du lịch bởi cảnh quan tự nhiên và bầu không khí trong lành. Đất nước này cũng không có nhiều lễ hội nhưng lễ hội nào cũng rực rỡ sắc màu dân gian, thường là các phong trào hóa trang, đeo mặt nạ cùng những điệu múa độc đáo...

Vũ điệu mặt nạ Punakha ở vùng Tây Bắc Bhutan gây ấn tượng với khách quốc tế bởi những nét văn hóa độc đáo qua trang phục, điệu múa. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Bhutan nổi tiếng là quốc gia có nền du lịch chậm và bền vững. Đất nước này không hạn chế khách du lịch mà chỉ muốn phục vụ tốt nhất theo khả năng. Bởi vậy, chính phủ đã đề ra quy định mức phí du lịch mỗi ngày cho một người, mùa thấp điểm tối thiểu là 200 USD và mùa cao điểm là 250 USD. Phí trên chưa bao gồm vé máy bay và các dịch vụ giải trí, mua sắm.

Bhutan hiện miễn visa cho Ấn Độ, Nepal và Maldives. Riêng công dân Ấn Độ không cần dùng hộ chiếu khi tới đây. Khách sạn ở Bhutan không có dép, cũng không có hộp an toàn vì không hề có nạn trộm cắp, nhưng Internet tại đây lại khá chập chờn.

Du lịch Bhutan đặc biệt an toàn, vì khách đi đâu, làm gì cũng có hướng dẫn viên tận tình, thân thiện phục vụ chu đáo từng người một, không ghép khách. Một người, hai người cũng có xe và hướng dẫn riêng như khách VIP. Giá tour tuy đắt nhưng đáng đồng tiền bát gạo, tương xứng với những giá trị mà du khách nhận lại được.

Ai đi Bhutan về cũng tâm an, hồn thoáng, thân thể sảng khoái.

Cuộc sống ở Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới Quốc gia nằm ở phía đông dãy Himalaya được mệnh danh là "đất nước hạnh phúc nhất thế giới". Phật giáo Kim Cương Thừa có ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống nơi này.

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-co-chua-an-chay-va-nhung-khac-biet-o-bhutan-post900336.html