Không có chủ trương phá giá tiền đồng

Các thành viên Chính phủ ngày 27-10 lần lượt giải trình trước Quốc hội về các vấn đề quản lý ngành

Đánh giá 3 năm qua, nền kinh tế có chuyển biến tích cực, rõ rệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra nhiều tồn tại, như: chất lượng tăng trưởng có tiến bộ nhưng chậm, có những yếu tố nếu không củng cố sẽ thiếu bền vững; chất lượng thể chế, kết cấu hạ tầng, xã hội, nhân lực còn hạn chế; các chỉ số đổi mới công nghệ, quản trị còn thấp.

Khẳng định Chính phủ nhất quán coi ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, tăng khả năng chống chọi của hệ thống ngân hàng trước biến động kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chưa bao giờ và không bao giờ Chính phủ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Chính phủ cũng không có động thái nới lỏng lạm phát".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lo lắng khoảng cách tụt hậu với các nước ngày càng tăng. "Đạt được kết quả như vừa qua thì mừng nhưng vẫn còn lo. GDP bình quân đầu người hiện mới đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 3.200-3.500 USD. Hai năm còn lại phải tăng thêm 800-1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng" - ông phân tích.

Cũng được mời tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận chất lượng khám chữa bệnh có những tiến bộ rõ nét, sự hài lòng của người dân tăng lên đến 80% - theo đánh giá của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam. Việc giảm tải đã được thực hiện quyết liệt; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang tầm quốc tế; ban hành tiêu chí đối với các bệnh viện, phân hạng bệnh viện… Bộ này cũng đầu tư xây dựng rất nhiều bệnh viện xanh - sạch - đẹp; chấn chỉnh nhiều y - bác sĩ chưa chuẩn mực. "Bệnh viện nào để nhà vệ sinh, phòng ốc bẩn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc đó bẩn. Khoa nào để nhà vệ sinh bẩn, không có nơi rửa tay thì trưởng khoa đó ở bẩn!" - Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Thừa nhận ngành y tế còn nhiều hạn chế như quá tải bệnh viện tuyến trên, trang thiết bị nhiều bệnh viện cơ sở không đủ, chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm…, nữ bộ trưởng cho rằng để giải quyết, cần giải pháp "kiềng ba chân". Thứ nhất, chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thứ hai, bảo đảm chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian nằm viện, tăng chất lượng điều trị. Thứ ba, bảo đảm vấn đề nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng. "Hy vọng một ngày không xa, người Việt không còn phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Điều này cần nguồn lực tài chính, nhân lực lớn" - bà Tiến bày tỏ.

Hoài Dương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-co-chu-truong-pha-gia-tien-dong-20181028212608625.htm