Không có chữ 'dỗi' trong tâm thiện

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa tuyên bố vĩnh viễn ngưng kêu gọi từ thiện giữa lúc dư luận về vụ nghệ sĩ hài Hoài Linh 'ngâm' tiền cứu trợ đồng bào miền Trung tới 6 tháng chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Dù không tuyên bố thẳng thừng nhưng một số nghệ sĩ khác cũng bóng gió về việc sẽ "nghỉ" làm từ thiện.

Lý do bởi "mọi người" tỏ ra quá... "khắt khe" với chuyện thu - chi trong hoạt động kêu gọi từ thiện của họ!

MC Trấn Thành hồi năm 2020 cũng từng nói: "Quý vị cứ phải nói là giải trình số tiền này ra cái này cái nọ thì nói thiệt tụi em không làm. Đó không phải nhiệm vụ, không phải sinh ra phải làm từ thiện". Có nghĩa, những nghệ sĩ này tự cho mình cái quyền "không phải giải trình" và một khi công chúng buộc họ phải giải trình theo đúng quy định của pháp luật, thì họ... không làm nữa.

Cái thái độ đó người ta hay gọi là... "dỗi"!

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Dỗi là tỏ thái độ giận, không vừa lòng, bằng cách cho mọi người thấy mình như không thiết gì đến (một điều gì đó) nữa". Mà có vẻ họ làm thật chứ chẳng nói chơi. Bằng chứng là giữa lúc cả nước đang căng mình chống dịch, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, hàng triệu người đứng trước khó khăn cơm áo gạo tiền thì khác những lần trước, những cái tên trong giới showbiz trước đây vốn hăng hái kêu gọi từ thiện hiện vẫn... im ru, trong khi nhiều người thuộc các ngành nghề khác đã có những hành động thiết thực để hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch và người dân gặp khó khăn về đời sống.

Điều đó có thực sự đáng lo ngại không? Liệu những đồng bào trong cơn hoạn nạn có "bị thiệt" không?

Câu trả lời là không! Bởi nếu những nghệ sĩ này chối bỏ việc cứu trợ thì những món quà của các nhà hảo tâm vẫn sẽ có cách để đến được với đồng bào - anh không làm thì vẫn có nhiều người khác làm. Đành rằng trong quá khứ, hiệu ứng tâm lý đám đông ảnh hưởng trực tiếp từ những người nổi tiếng là rất lớn, giúp họ chỉ trong thời gian ngắn huy động được khoản tiền thiện nguyện "khổng lồ". Vai trò, sự đóng góp tích cực của giới nghệ sĩ là không thể chối bỏ nhưng không phải vì họ không kêu gọi từ thiện mà hoạt động này bị gián đoạn hay hạn chế.

Ở góc độ khác, nếu nhìn vào sự "hơn - thiệt" thì cái "thiệt" lớn nhất thuộc về những nghệ sĩ tuyên bố "không làm từ thiện nữa". Bởi một khi họ tỏ ra vô cảm trước nỗi đau thương của đồng bào mình, đứng bên lề những vấn đề xã hội nóng bỏng, tức đã phạm vào một nguyên tắc đạo lý bất thành văn của mọi xã hội mà mọi biểu hiện đều sẽ bị quyết liệt phản đối, tẩy chay. Hình ảnh và giá trị của họ sẽ không còn trọn vẹn trong mắt công chúng.

Với một người thực sự có tâm thiện thì trong kho từ khóa của họ hẳn không có từ "dỗi", chỉ vì "dỗi" mà đành tâm từ bỏ, xa rời con đường thiện nguyện. Như vậy động cơ để làm việc thiện của họ liệu có vô tư, trong sáng?

Thực tế trong giới nghệ sĩ, rất nhiều người làm việc thiện với trái tim trong sáng, hoàn toàn vô tư như: NSND Kim Cương, ca sĩ Hà Anh Tuấn, ca sĩ Thái Thùy Linh... Thế giới showbiz không bao giờ thiếu những nghệ sĩ đầy tự trọng, tử tế với nghề, luôn nuôi trong tâm chữ "Thiện" để lan tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người...

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khong-co-chu-doi-trong-tam-thien-20210603074024248.htm