Không có chỗ cho làm ăn gian dối

Trong khi câu chuyện giả mạo nguồn gốc thuốc chữa ung thư của VN Phamar còn chưa kịp lắng xuống, mới đây, sự việc khăn lụa Khaisilk tiếp tục bị phát hiện làm giả nguồn gốc xuất xứ, khiến người tiêu dùng thêm bức xúc. Sự giả dối liên tục bị phơi bày trong thời gian qua khiến không ít người giật mình đặt câu hỏi, phải chăng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đang bị đảo lộn?.

Người tiêu dùng đang bị xem thường

Xây dựng một thương hiệu đã khó, nhưng để giữ vững và giúp thương hiệu ngày một phát triển còn khó khăn gấp bội, triết lý đó hẳn bất kỳ một doanh nghiệp nào khi bước chân vào con đường kinh doanh đều hiểu rất rõ. Thế nhưng những ngày qua, câu chuyện về Tập đoàn Khaisilk và sản phẩm khăn lụa Khaisilk giả mạo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm lừa dối người tiêu dùng khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Để phát triển bền vững không chỉ có Khaisilk mà các doanh nghiệp đều phải học cách tôn trọng người tiêu dùng.

Để phát triển bền vững không chỉ có Khaisilk mà các doanh nghiệp đều phải học cách tôn trọng người tiêu dùng.

Mặc dù ngay sau sự việc, ông Chủ tập đoàn Khaisilk đã chính thức thừa nhận, doanh nghiệp này nhập đến 50% sản phẩm khăn lụa từ Trung Quốc, đồng thời lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng. Thế nhưng không ít người tiêu dùng cho rằng, xin lỗi và bồi thường cho khách hàng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, liệu đây có phải là cách làm của “người quân tử” khi hàng chục năm qua Khaisilk đã “lén lút” lừa dối người tiêu dùng.

Trước câu chuyện Tập đoàn Khaisilk lừa dối người tiêu dùng, nhiều người cho rằng, phải chăng giá trị của doanh nghiệp đã và đang bị đảo lộn?. bởi mới đây thôi, câu chuyện cựu Tổng Giám đốc VN Pharma liên quan đến vụ việc nhập khẩu gần 10.000 viên thuốc chữa ung thư giả, đã ôm mặt khóc nức nở trước tòa xin được khoan hồng để được tại ngoại chăm sóc vợ và mẹ già khiến nhiều người thương cảm. Thế nhưng, nhìn lại sự việc mà VN Pharma lừa dối và trục lợi trên lòng tin của những con người tận cùng đau khổ thì sự căm phẫn lại được đẩy lên tột độ. Nhiều người cho rằng, chỉ có pháp luật và nhà tù mới là nơi thích hợp nhất dành cho những kẻ bất lương, lừa dối người tiêu dùng.

Mới đây thôi, hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện hơn 5.000 con lợn tại một lò mổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị phát hiện được tiêm thuốc an thần và chuẩn bị đưa ra thị trường. Hậu quả trực tiếp thì chưa thấy, tuy nhiên, về lâu về dài theo các nhà chuyên môn, các thành phần trong thuốc an thần sẽ gây nguy hại đến người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, thậm chí gây mục xương, ung thư tủy… Sau khi bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, nhiều đã lên án gay gắt vấn đề này bởi, đây không chỉ là sự gian dối trong kinh doanh mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hàng nghìn người, khi không may sử dụng phải thực phẩm chứa các loại chất cấm này…

Từ những câu chuyện trên có thể thấy, hiện nay từ miếng ăn, thức uống, đến vấn đề làm đẹp… đều dễ dàng bị làm giả bởi những con người vô cảm, thủ đoạn. Ai cũng biết “phi thương, bất phú”, vì thế, việc tối đa hóa trong các hoạt động kinh doanh luôn được các cá nhân, các doanh nghiệp đưa lên hàng đầu. Khát khao làm giàu là chính đáng, nhưng để làm giàu mà bất chấp mọi thủ đoạn để lừa dối người tiêu dùng là hành động khó có thể nhận được sự tha thứ và cảm thông.

Cần minh bạch hóa nguồn gốc

Liên tiếp các vụ việc gian lận thương mại bị phanh phui, thế nhưng, để xử lý dứt điểm tình trạng này thì hầu như các cơ quan chức năng chưa có được những chế tài đủ mạnh. Vì thế, sau hàng loạt vụ việc gian lận thương mại của các doanh nghiệp nhằm trục lợi bất chính, thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng phải gánh chịu. Qua đó, nhiều người mất lòng tin vào những sản phẩm trong nước và có cái hiểu sai, thậm chí là e ngại đối với những doanh nghiệp nỗ lực làm ăn chân chính.

Đề cập đến vấn đề trên, Luật sư Đỗ Phương Thúy (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi buôn bán hàng giả, gian lận thương mại sẽ bị xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Theo đó, bên cạnh các biện pháp khắc phục hậu quả như bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng tới 30 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa. Thậm chí, nếu là vấn đề gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 6 tháng – 15 năm tù…

Anh Mạnh Tiến (ở Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, mất tiền nhưng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng là điều khó có thể chập nhận được. Mất tiền thì đã mất, thậm chí là mất nhiều, nhưng sự bội tín của các doanh nghiệp với người tiêu dùng mới thật sự nguy hiểm. “Trong khi khắp nơi, khắp các tổ chức đều kêu gọi, đồng hành cùng người dân trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì sự việc gian lận thương mại lại nằm chình ình giữa Thủ đô. Chẳng lẽ, người tiêu dùng mãi phải chịu đựng sự lừa dối của doanh nghiệp mãi hay sao?” – anh Tiến bức xúc.

Đồng quan điểm với anh Tiến, nhiều người tiêu dùng cũng cho rằng, những sự việc trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong việc thiếu minh bạch của các doanh nghiệp. Vì thế, không ai có thể chắc chắn rằng, sau vụ việc Khaisilk bán khăn lụa giả “made in Vietnam”; thuốc ung thư giả… sẽ còn bao nhiêu cái tên khác đang trục lợi trên lòng tin của người tiêu dùng còn chưa bị lộ. Vì thế, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để bảo vệ mình cũng như gây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thì việc minh bạch thông tin, minh bạch nguồn gốc sản phẩm có vai trò rất quan trọng.

“Chúng ta đang hướng tới một hình thức thương mại công bằng ở Việt Nam, vì thế, việc công khai minh bạch các chi phí, nguồn gốc sản phẩm… là việc làm rất quan trọng. Đặc biệt, sự minh bạch ấy lại gắn liền với những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức và quy phạm pháp luật, đồng thời hạn chế những tiêu cực xảy ra trong quá trình kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp đảm bảo tốt được sự minh bạch ấy, chắc chắn người tiêu dùng sẽ không phải lo lắng bởi những tiêu cực, gian lận thương mại và sự lừa dối vẫn đang hiện hữu đâu đó trên thị trường”, ông Phú cho biết.

Vẫn biết, hiện việc minh bạch hóa nguồn gốc đối với các doanh nghiệp trong nước là một điều gì đó còn rất “xa xỉ”. Thế nhưng, đừng vì lợi nhuận mà bất chấp mọi thủ đoạn, trà đạp nên đạo đức kinh doanh, nghề nghiệp và đặc biệt là đánh cắp lòng tin của người tiêu dùng. Hãy minh bạch và thành thật với chính mình để nhận được sự tha thứ, lòng tin của con người dễ chinh phục, tuy nhiên bị tổn thương để làm lành lại vết thương ấy không phải là chuyện dễ dàng và Khaisilk đang rơi vào trường hợp như thế.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-co-cho-cho-lam-an-gian-doi-63181.html