Không có bất thường trong xét xử một số vụ 'đại án'!

Hôm nay (18/11), tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nhiều đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi liên quan đến chất lượng công tác xét xử, đặc biệt là với những vụ án kéo dài, những vụ 'đại án' trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị cho biết những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Trong phần trả lời, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, thời gian qua có một số vụ án các tòa án đã trả hồ sơ nhiều lần. “ Trong năm 2017, Tòa án nhân dân Tối cao đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án” – Ông Bình nói và lý giải, việc trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung là một chế định luật cho phép, khi xét thấy không đủ chứng cứ tội phạm, bỏ lọt tội phạm hoặc có dấu hiệu để oan, sai.

“Việc trả lại hồ sơ nhiều lần là do chất lượng điều tra có vấn đề nhưng cũng có trường hợp thẩm phán không tuân thủ pháp luật, còn nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án”- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho hay.

Đưa giải pháp, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hình sự mới ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là rất quan trọng.

Đặc biệt, việc công khai các bản án trên mạng internet cũng được Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cáo cho là một trong những giải pháp hữu hiệu. Ông đánh giá: “Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã công khai các bản án lên mạng internet, tạo hiệu ứng tốt về phía xã hội. Việc đưa bản án lên mạng cũng là tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án. Thông qua đó, sẽ góp phần đề cao trách nhiệm của bản án, thẩm phán cẩn trọng hơn trong việc áp dụng pháp luập và văn phong trong bản án”. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, Tòa án nhân dân Tối cao đã công bố 32.318 bản án và thống kê từ tháng 9 đến nay, đã có gần 1,4 triệu lượt người dân truy cập; 5.362 ý kiến người dân góp ý cho 1.116 bản án. Đa số ý kiến đánh giá tích cực về các bản án, cũng có ý kiến góp ý về nội dung các bản án cụ thể.

Cũng trong phiên chất vấn hôm nay, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về một số vụ “đại án”, như vụ Châu Thị Thu Nga hay vụ Trịnh Xuân Thanh,… đang thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, với vụ án Châu Thị Thu Nga, “Không có gì giấm giúi, giấu giếm ở đây cả” – ông Bình khẳng định và làm rõ hơn, khi có dư luận, báo chí cho rằng Hội đồng xét xử không cho bị cáo khai, có vẻ như là giấu giếm, vi phạm tố tụng, thậm chí có báo nói cắt điện 30 giây, chúng tôi ngay lập tức đã yêu cầu kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu chủ tọa báo cáo giải trình và chúng tôi đã gặp luật sư.

“Phòng xét xử diễn ra bình thường, không có sự cố gì về kỹ thuật” – theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cáo. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu, như: lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điền tra, biên bản đối chất của Nga và các đối tượng liên quan. Việc chủ tọa dừng không cho khai tiếp, do án này được tách ra theo quy định của luật cho phép.

Với vụ án Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đầu năm nay, Tòa án đã khởi tố bổ sung Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô mười mấy tỷ và “… cách đây 2 ngày, cơ quan điều tra đã họp với Tòa án, có nhiều tài liệu bổ sung, nên ngoài Trịnh Xuân Thanh, đã khởi tố bổ sung thêm 3 bị can khác” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/khong-co-bat-thuong-trong-xet-xu-mot-so-vu-dai-an.html