Không chủ quan với thiên tai, nhân tai

Trong khi đang chung sức cùng cả thế giới ngăn hiểm họa dịch Covid-19 lây lan, chúng ta cũng không thể lơ là việc đối phó với những tai họa thiên tai, nhân tai khác.

Tình hình thời tiết đang diễn biến thất thường. Từ đêm 3-3, bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống, ảnh hưởng đến Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, gây mưa to, dông lốc, sét, mưa đá, trời chuyển rét, gió giật mạnh, biển động. Diễn biến thời tiết như vậy sẽ gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Còn ở ĐBSCL, đã từ hơn 1 tháng nay tình hình khí tượng, thủy văn và xâm nhập mặn diễn biến rất thất thường với nhiều đe dọa. Hạn mặn đang diễn ra gay gắt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, một diện tích lớn vùng lúa, cây ăn trái, rau màu, thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương đã phải khẩn cấp ứng phó tình hình xâm nhập mặn.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, dông lốc, sét, hạn hán, mưa lớn… đều có xu hướng gia tăng về cường độ hoặc tần số và ảnh hưởng đến nước ta. Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước, do vậy chúng ta càng không thể chủ quan. Cùng với thiệt hại do thiên tai, còn có những thiệt hại do nhân tai. Nguyên nhân hạn mặn ở ĐBSCL không chỉ do thời tiết cực đoan El Nino mưa ít nên đầu nguồn sông Mê Công thiếu nước trầm trọng. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chính con người đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng hạn mặn, mà nguyên nhân chính từ tác động đến tài nguyên nước xuyên biên giới. Môi trường thiên nhiên trên hành tinh của chúng ta đang phải chịu nhiều sự can thiệp, tác động, trở nên thiếu cân bằng.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng ta đã có cách làm rất chu đáo và hiệu quả: xây dựng kế hoạch ứng phó với từng tình huống và mức độ lây lan cụ thể để không bị động; phổ biến, cập nhật thông tin để người dân không chủ quan và cũng không hoảng loạn, có kiến thức và ý thức phòng chống lây nhiễm. Những bài học kinh nghiệm đó cũng cần được phát huy trong việc phòng chống các tai họa khác do thiên tai và nhân tai. Cụ thể là xây dựng kế hoạch ứng phó; thường xuyên thông tin qua các phương tiện truyền thông về diễn biến tình hình và các nguy cơ để hướng dẫn người dân hạn chế thiệt hại, khắc phục khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất kịp thời từ ngày 22-1-2020 về việc triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chúng ta đã dự báo sớm và không bị động. Cũng giống như với dịch Covid-19, để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, không thể chủ quan, lơ là; phải tìm giải pháp phù hợp, nương theo quy luật; huy động hiệu quả các nguồn lực trong dân; các nhà khoa học và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Và cũng giống như việc giám sát theo dõi chặt chẽ Covid-19, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương liên quan đang tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, hạn chế mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Hiện nay, 13/13 tỉnh, thành ĐBSCL đều đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Riêng tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Cuối tháng 2, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã thông báo rộng rãi đến người dân về thời điểm có khả năng xuất hiện nguồn nước ngọt khi triều thấp để khai thác, dự trữ. Việc dự trữ nước ngọt và huy động hỗ trợ nước ngọt giúp người dân các địa phương thiếu nước ngọt đang diễn ra khẩn trương. Đó là những cách làm có trách nhiệm.

Ở các địa phương đang bị khô hạn cũng cần chú ý phòng chống cháy rừng. Chúng ta đã thấy hình ảnh rừng núi Australia cháy đỏ trời, thiệt hại rất nặng nề. Do vậy, cần tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo xử lý các tình huống cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Các giải pháp chỉ là một phần, quan trọng là xây dựng ý thức chủ động phòng cháy rừng của người dân. Rất cần kiểm soát, giám sát chặt nguy cơ nhân tai do bất cẩn củi lửa gây cháy rừng.

HUỲNH THANH LUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-chu-quan-voi-thien-tai-nhan-tai-649001.html