Không chủ quan với bệnh Whitmore

Thời gian gần đây, dư luận hoang mang về loại vi khuẩn 'ăn thịt người' khiến người mắc bệnh tử vong nhanh chóng. Thực ra, các ca mắc bệnh được bác sĩ xác định là bệnh Whitmore. Đây không phải là bệnh mới, lạ. Những năm trước, ngành Y tế tỉnh đã ghi nhận và điều trị khỏi nhiều ca.

Cần hiểu biết đúng về bệnh

Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh khẳng định: “Thực chất Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Còn “ăn thịt người” là biệt danh của vi khuẩn Vibrio vulnificus - một loại vi khuẩn làm hoại tử mô nhanh”.

 Thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Khoa Vi sinh - Ký sinh trùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Khoa Vi sinh - Ký sinh trùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh Whitmore không phải là bệnh mới và lạ, ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 1925. Bệnh xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Người dễ mắc bệnh là nông dân, người có tiền sử tiểu đường, có bệnh mạn tính về phổi và thận, người nghiện rượu. Khi vi khuẩn xâm nhập cơ thể, chúng gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể giống với các bệnh truyền nhiễm khác. Thời gian ủ bệnh trung bình 9 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng, có thể gây sốt, ho, đau ngực, đau đầu, chán ăn, đau khớp, nhiễm trùng, suy hô hấp... nên thường bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm từ mẫu bệnh phẩm (máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy). Bệnh Whitmore gây chết người nhanh khi bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, viêm phổi, suy nội tạng do điều trị không kịp thời và đúng cách. Điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể.

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Vi khuẩn gây bệnh có thể sống trong đất ẩm, đặc biệt là đất canh tác nông nghiệp. Đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn; khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn và có thể khi ăn thức ăn có vi khuẩn. Bệnh không lây từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, các ca bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch. Hiện nay, chưa có vắc xin để phòng bệnh. Người dân không nên hoang mang nhưng cũng cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước tù đọng, nếu phải tiếp xúc thì nên sử dụng ủng, găng tay cao su”.

Chủ động chẩn trị

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc Whitmore. Tuy nhiên, các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới vẫn không chủ quan với căn bệnh này. Các nhân viên y tế của BV đều được phổ biến về các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng để nhận biết bệnh, cách xử trí ban đầu. Ngoài ra, công tác chẩn đoán xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn gây bệnh Whitmore cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Thuốc kháng sinh đặc hiệu dùng trong điều trị bệnh đã được BV chuẩn bị đầy đủ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình cho biết: “Năm 2017, BV đã từng ghi nhận và điều trị thành công cho 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore. Vì thế, nếu có ca bệnh, BV sẽ không bị động vì đã có kinh nghiệm điều trị tốt 2 năm trước. Tuy nhiên, người dân cần đến BV sớm để được điều trị tốt nhất”.

Tại BV Đa khoa tỉnh, Ban lãnh đạo BV chỉ đạo các khoa, phòng cập nhật liên tục cho đội ngũ y, bác sĩ những kiến thức về bệnh Whitmore; yêu cầu Khoa Dược tăng cường chuẩn bị thuốc kháng sinh chủ đích điều trị bệnh lý này. Đặc biệt, Khoa Vi sinh - Ký sinh trùng thực hiện tốt công tác định danh xác định chính xác vi khuẩn Whitmore để giúp các khoa lâm sàng có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.

Bác sĩ Lê Thị Lan Anh - Trưởng khoa Vi sinh - Ký sinh trùng, BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Khoa đã được trang bị máy định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ tự động - đây là thiết bị y tế rất hiện đại, giúp bác sĩ xác định nhanh và chính xác các vi khuẩn gây bệnh, trong đó có vi khuẩn Whitmore. Song song đó, khoa có các test định danh vi khuẩn này bằng phương pháp thủ công; đồng thời còn được hỗ trợ test xác định nhanh. Nhiều năm trước, khoa đã tìm thấy vi khuẩn này khi xét nghiệm các mẫu nghi ngờ do các khoa lâm sàng gửi lên. Tất cả các trường hợp khi được xác định rõ đều được điều trị khỏi. Bình quân mỗi năm, BV ghi nhận 4 - 5 ca. Riêng năm 2018, phát hiện 4 trường hợp mắc và đều được điều trị thành công”.

C.Đan

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/201909/khong-chu-quan-voi-benh-whitmore-8130530/