Không chủ quan với bệnh viêm phổi ở trẻ

Viêm phổi là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, bệnh tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan, khi thấy trẻ có dấu hiệu như: sổ mũi, ho, thở khò khè, sốt cao liên tục nên đưa trẻ đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.

Trẻ bị viêm phổi đang được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: M.Liên

Trẻ bị viêm phổi đang được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: M.Liên

* Bệnh rất dễ tái phát

2 tháng nay, gia đình chị N.T.O. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) phải đưa con gái hơn 2 tuổi đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viên nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) để khám, chữa bệnh viêm phổi cho bé. Chị O. cho hay, mỗi lần bé bị ho, sổ mũi, sốt là phải nhập viện để điều trị, thời gian nằm viện có khi cả tháng, vì bé bị bệnh nặng.

Còn trường hợp bé trai T.K., 8 tháng tuổi, con của chị N.T.L. (ngụ phường Trảng Dài,
TP.Biên Hòa) cũng thường xuyên phải nhập viện điều trị, do bệnh viêm phổi tái đi tái lại. “Từ lúc bé T.K. sinh ra mới được 3 ngày tuổi đã bị viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị. Kể từ đó đến nay, mỗi khi thời tiết thay đổi là bé lại ho, sốt, sổ mũi phải uống thuốc, thậm chí phải nhập viện tiêm kháng sinh, vì uống thuốc không khỏi” - chị L. nói.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Hô hấp 2 Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong tổng số bệnh nhi nhập viện vì các bệnh liên quan đến hô hấp có khoảng 60% trường hợp bị viêm phổi. Trung bình mỗi ngày có trên 20 trẻ được điều trị viêm phổi, trong đó có nhiều trẻ phải nhập viện nhiều lần do bệnh tái phát.

Cũng theo bác sĩ Thủy, bệnh viêm phổi là do siêu vi và vi trùng gây nên, đặc biệt là vào mùa lạnh (cuối mùa đông, đầu mùa xuân) có thể lúc đầu là do siêu vi, sau đó bội nhiễm lên thành vi trùng và dẫn đến viêm phổi. Ngoài ra, do những bé cơ địa bị trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng với thời tiết hoặc thức ăn, những trẻ bị suy dinh dưỡng, dẫn đến sức đề kháng kém cũng dễ bị viêm phổi.

* Điều trị và phòng ngừa

Theo bác sĩ Thủy, cũng giống như những bệnh lý hô hấp khác, bệnh viêm phổi khởi phát ban đầu là sổ mũi, ho, thở khò khè, sốt. Khi bệnh đang nhẹ thì có thể uống thuốc, còn khi bệnh có dấu hiệu nặng dần như sốt cao liên tục, khi đó điều trị kháng sinh thông thường không đáp ứng, bắt buộc phải dùng đường tiêm.

Quá trình điều trị bệnh viêm phổi phức tạp, vì có những bé không đáp ứng với kháng sinh, hoặc không đáp ứng hoàn toàn dẫn đến phải điều trị lâu dài, cụ thể từ 7-21 ngày theo các phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, có những trường hợp nặng dẫn đến suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe hóa thì trẻ có thể phải điều trị cả tháng và có khi kéo dài đến 3 tháng.

Để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, hạn chế đến những nơi đông người không cần thiết. Khi thời tiết se lạnh chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu mặt, bàn chân cho trẻ, nhất là khi đưa trẻ đi ra ngoài. Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh phải nhỏ mũi hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Chú ý khi thấy bé thở nhanh, khó thở thì đưa trẻ đi khám ngay lập tức, vì bệnh thường diễn tiến nhanh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe hóa và thậm chí tử vong.

Cần cho trẻ chích ngừa đầy đủ, nhất là chích ngừa bệnh sởi, vì bệnh sởi gây biến chứng viêm phổi nhiều nhất cho trẻ. Trong quá trình điều trị phải dùng đúng liều, đúng chỉ định, đúng thời gian, không tự ý mua thuốc, không dùng đơn thuốc cũ.

Mai Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/khong-chu-quan-voi-benh-viem-phoi-o-tre-2989489/