Không chủ quan với bệnh bạch hầu

Mới đây, một bé gái 6 tuổi tại xã Ea H'ding, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã tử vong vì căn bệnh bạch hầu. Đáng chú ý, ngay sau đó, có thêm 34 trường hợp tại địa phương này cùng nhiễm và nghi nhiễm bạch hầu, 3 trường hợp là người thân của bé gái đã tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh.

 Tiêm chủng cho trẻ tại trường Mầm non Hoa Sữa, quận Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Anh

Tiêm chủng cho trẻ tại trường Mầm non Hoa Sữa, quận Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Anh

Dễ lây truyền, biến chứng
Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu corynebacterium diphtheriae gây ra. Được gọi là bạch hầu vì dấu hiệu đặc trưng là vùng hầu họng có những mảng trắng gọi là màng giả. Bệnh có thể gây viêm cơ tim, viêm thận hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Một số trường hợp gây thay đổi giọng nói, ăn uống khó khăn. Nặng hơn có thể làm bệnh nhân hôn mê và dẫn đến tử vong.
Bạch hầu thường gặp ở trẻ từ 1 - 10 tuổi. Dù vậy, người lớn vẫn có thể phát bệnh nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Thời gian ủ bệnh trung bình 2 - 5 ngày.
Triệu chứng thường gặp của bệnh là sốt, ho, dấu hiệu của viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, họng đỏ, nuốt đau. Trong vòng 1 - 2 ngày màng giả xuất hiện. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, khi nặng hơn giả mạc lan xuống thanh khí quản sẽ gây khàn tiếng khó thở. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Nếu không được điều trị, bạch hầu có thể dẫn đến các nguy cơ sau:
Vấn đề về thở: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tiết độc tố gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng ngay lập tức - thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp.
Đau tim: Độc tố bạch hầu có thể lây lan qua dòng máu và làm tổn thương các mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể nhẹ, biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.
Tổn thương thần kinh: Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Mục tiêu điển hình là dây thần kinh ở cổ họng gây khó nuốt, nếu ở cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ. Nếu độc tố Corynebacterium diphtheriae làm tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ hô hấp, các cơ này có thể bị tê liệt.
Hầu hết những người mắc bệnh bạch hầu đều sống sót sau những biến chứng này nhưng quá trình phục hồi thường chậm. Bạch hầu gây tử vong ở khoảng 3% những người mắc bệnh. Theo Bộ Y tế, trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Cách phòng tránh
Theo TS Trần Đắc Phu, ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, các cơ sở y tế cần trực tiếp đến vùng dịch, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn, cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng dịch. Các đơn vị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Qua đó, chủ động trong công tác phòng lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Thứ nhất, mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng, mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi. Thứ hai, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Thứ ba, gia đình, nhà trường cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Thứ tư, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Thứ năm, người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-chu-quan-voi-benh-bach-hau-352044.html