Không chủ quan, tự mãn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 3-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2022. Lời nhắc ấy là cần thiết bởi vẫn có không ít địa phương, đơn vị 'ngủ quên trên vòng nguyệt quế' khi kết quả tăng trưởng năm 2022 ở mức cao hơn trung bình cả nước.

2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tình hình chính trị - kinh tế thế giới đã tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề đến nước ta. Trong khi đó, ở trong nước còn phải đối chọi với thiên tai, dịch bệnh và những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế... Tuy nhiên, cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nổi bật là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.

Năm 2023, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là các “dòng” thị trường chính, như: Tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm khiến đời sống của người lao động dự báo gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công cũng đem đến thách thức không nhỏ trong điều hành vĩ mô của năm. Trong khi đó, thể chế còn chồng chéo; việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Do đó, ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2023, hệ thống chính trị cả nước cần thực hiện tốt 5 định hướng về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra.

Trước hết, cần tập trung xử lý tồn tại, hạn chế vốn được coi là những vấn đề còn “nợ” của năm 2022 và các năm trước, kiên trì mục tiêu phát triển song hành trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường. Trong đó tập trung vào khâu đánh giá, phân tích, nhận định tình hình để phản ứng kịp thời trước diễn biến mới xảy ra trên thế giới và trong nước. Song hành với đó là kiên trì việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách hành chính thực chất; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Để “cỗ máy” hành chính vận hành trơn tru, vai trò người đứng đầu mỗi đơn vị hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người đứng đầu trì trệ thì cả “cỗ máy” phía sau sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, cần mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cao hơn cho người đứng đầu.

Cùng với đó, cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Qua đó, tạo điều kiện cho những người nhiệt huyết cống hiến có cơ hội thể hiện khả năng.

Tổng quan kết quả của năm qua đã tốt, nhưng sẽ tốt hơn khi những trì trệ bị loại bỏ. Điều đó chỉ có được khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” vào việc chung ngay từ những ngày đầu của năm 2023.

Đan Nhiễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1052169/khong-chu-quan-tu-man