Không chủ quan, lơ là, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19

Các địa phương không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; luôn đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết; đảm bảo thực hiện tốt 'mục tiêu kép.'

Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại Công ty TNHH May Nhà Bè. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại Công ty TNHH May Nhà Bè. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; luôn đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết; đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép.”

Đó là những yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương trong cả nước đang thực hiện.

Hậu Giang dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu

Ngày 16/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang có Công văn số 814 /Ủy ban Nhân dân-NCTH, về việc tiếp tục triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Từ 0 giờ ngày 17/6/2021, tỉnh dừng hoạt động các cơ sở: karaoke, massage, xông hơi, điểm tư vấn sức khỏe bằng phương pháp ngồi, nằm máy massage, trò chơi điện tử, internet công cộng, rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, hồ bơi, bi da, yoga, zumba, các cơ sở làm, các dịch vụ (xông hơi, cơ sở bấm huyệt, vật lý trị liệu), điểm tham quan du lịch, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ, các giải đấu thể thao, các điểm tập luyện thể thao đông người (trên 10 người), lễ hội, hoạt động vui chơi, giải trí, nghi lễ tôn giáo tập trung đông người khác, đến khi có thông báo mới.

Đối với các cơ sở kinh doanh (quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa) khuyến khích bán hàng mang về, hạn chế tập trung tại chỗ. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán nhậu) phải hạn chế 50% số bàn, giữa các bàn ăn phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m.

Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện nghiêm việc không tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, công trường, nhà máy sản xuất và nơi công cộng) và thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần bình tĩnh, kiên trì, nỗ lực hơn nữa với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, luôn đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết, trong phạm vi phân cấp quản lý chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện "mục tiêu kép."

Bên cạnh đó, giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp… thuộc thẩm quyền quản lý tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý; thống kê đầy đủ, chính xác người dân Hậu Giang đi làm, học tập,… ở các địa phương khác để chủ động quản lý, hoàn thành trước ngày 22/6/2021, báo cáo về Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Sở Y tế.

Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm những địa phương vừa qua do chủ quan, lơ là đã không phát hiện các đối tượng có nguy cơ cao từ vùng dịch trở về địa phương và về địa phương không khai báo y tế; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chậm thi hành các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là các trường hợp từ địa phương khác (ở ngay vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch) về không khai báo y tế…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý.

Bình Phước thiết lập mỗi khu công nghiệp một khu cách ly tập trung

Ngày 16/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch khẩn số 209/KH-Ủy ban Nhân dân về việc tổ chức thực hiện cách ly y tế khi có dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu tại mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tùy theo quy mô số lượng người lao động thực tế thiết lập ít nhất 1 cơ sở cách ly tập trung; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dụng cụ sinh hoạt thiết yếu, sẵn sàng kích hoạt khu cách ly tập trung khi có trường hợp mắc COVID-19.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu phải thực hiện cách ly ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại doanh nghiệp; cách ly tối thiểu 28 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với nguồn lây; xây dựng phương án cách ly đối với các doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập khu cách ly tập trung tại chỗ; dự kiến việc chuyển đổi công năng từ các cơ sở hiện có như nhà ăn, xưởng sản xuất, hội trường… thành khu cách ly tập trung và di chuyển đối tượng cách ly đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện thành lập khu cách ly tập trung tại chỗ.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, mục đích của kế hoạch trên nhằm khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ khu vực có dịch, dập dịch triệt để, xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, không để dịch lây lan trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh ra khu dân cư và địa phương khác; đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép, hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả giải pháp phòng chống dịch trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” với chiến lược chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, lấy phòng dịch là cơ bản, là chiến lược, lâu dài và quyết định; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 14 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế; trong đó, có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động.

Ngoài ra, Bình Phước có đường biên giới dài hơn 260km chung với Campuchia. Nhờ làm tốt khâu kiểm soát, phòng chống dịch, đến nay Bình Phước chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19 trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 6,16%, thuộc nhóm cao của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 6.826 tỷ đồng, đạt 90% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 61% Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, tăng 66% so cùng kỳ năm 2020.

Ninh Thuận đảm bảo an toàn phòng dịch

Ngày 16/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có công văn hỏa tốc, cho phép người từ các tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19 đến/về làm việc tại tỉnh nhưng đảm bảo phòng, chống dịch.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, những người đến từ các tỉnh, thành phố có dịch về làm việc tại tỉnh phải được sự chấp thuận của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Nhiều biển cấm bán hàng rong và tụ tập đông người được dựng tại các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Những người này chủ yếu là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật, cán bộ, công chức, viên chức đang lưu trú, công tác ở các tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19 hoặc vùng, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng không thuộc diện cách ly tập trung do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu giải quyết những vấn đề cấp thiết cho hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu đưa người từ vùng có dịch COVID-19 đến/về làm việc cần gửi trước văn bản đề xuất về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, tính cấp thiết về nội dung làm việc và sự cần thiết phải có người từ vùng có dịch COVID-19 đến/về làm việc.

Đồng thời cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, gửi kèm danh sách, chức danh, số điện thoại, địa chỉ của người từ vùng có dịch COVID-19 đến tỉnh công tác; thông báo cho chính quyền địa phương nơi lưu trú của người từ vùng có dịch COVID-19 đến làm việc để quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Đối với những nơi người đến từ vùng có dịch COVID-19 lưu trú làm việc phải thường xuyên sát khuẩn; khai báo y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, không tập trung quá 10 người, đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc; phân công nhân sự làm đầu mối để phối hợp giám sát, kiểm soát dịch và xử lý, ngăn chặn dịch bệnh khi có phát sinh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận, những người từ các tỉnh, thành phố có ca bệnh COVID-19 đến/về làm việc tại tỉnh Ninh Thuận phải có giấy xét nghiệm chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày trước khi đến; đồng thời phải khai báo y tế hằng ngày...

Kon Tum phát huy hiệu quả Tổ cộng đồng phòng, chống dịch

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành văn bản số 1975/Ủy ban Nhân dân-KGVX về việc chấn chỉnh và tăng cường hiệu quả hoạt động của các Tổ cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc thành lập các Tổ cộng đồng; kiện toàn, tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động các Tổ cộng đồng.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, kiện toàn lại các Tổ cộng đồng theo hướng dẫn của Sở Y tế, đảm bảo các thành viên của Tổ cộng đồng nắm chắc, xác định rõ nhiệm vụ, địa bàn, các hộ và những người dân được phân công phụ trách.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường trách nhiệm, phân công lãnh đạo Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã trực tiếp phụ trách để thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động Tổ cộng đồng; phân công cụ thể thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã phụ trách các Tổ cộng đồng để hàng ngày giám sát, hỗ trợ Tổ cộng đồng thực hiện nhiệm vụ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cũng ban hành văn bản số 1989/Ủy ban Nhân dân-KGVX, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện hiệu quả chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Tỉnh tiếp tục tạm dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; các cơ sở, trạm phục vụ dừng chân xe khách; các cơ sở, điểm tham quan, du lịch, di tích; các hoạt động, vui chơi tập trung đông người cùng một lúc hoặc trong không gian kín…

Đến hết ngày 15/6, toàn tỉnh có 187 trường hợp cách ly tập trung, gần 650 trường hợp cách ly tại nhà. Ngành y tế tỉnh đã tổ chức lấy và gửi gần 22.800 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tất cả đều cho kết quả âm tính.

Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với tổng số tiền gần 615 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khong-chu-quan-lo-la-kien-tri-quyet-tam-chien-thang-dich-covid19/720393.vnp