Không cho phép ai mua cổ phần quá 100 triệu đồng

'Chúng tôi đang nỗ lực định vị thương hiệu giáo dục VLU trong nước và khu vực với mục tiêu lớn: Tăng trưởng bền vững, phù hợp với yêu cầu thị trường lao động cả trước mắt và lâu dài', Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh Bùi Quang Độ bày tỏ.

Ông Bùi Quang Độ Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh

Ông Bùi Quang Độ Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh

PV: -Thưa ông, ông có thể chia sẻ về bước đầu của Trường Đại học Văn Lang. Và qua gần 25 năm, dựa vào cơ sở nào để Văn Lang phấn đấu xây dựng thành một tập đoàn Giáo dục lớn ?

Ông Bùi Quang Độ:- Đầu tiên việc thành lập trường xuất phát từ một ý tưởng nhỏ là chúng tôi muốn có một ngôi trường tử tế được xã hội chấp nhận. Lúc đó, số vốn đóng góp chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, rồi có những thời điểm chúng tôi nghĩ tới việc giải thể bởi vấp phải quá nhiều khó khăn. Từ khi trường chuyển sang hoạt động tư thục đã có nhiều khởi sắc. Văn Lang dựa trên cơ sở đào tạo đa lĩnh vực, đa nghành: Kinh tế, Công nghệ, Kỹ thuật, Xã hội, Mỹ thuật, Nghệ thuật và đào tạo đa cấp: Phổ thông, đại học, sau đại học, chương trình đặc biệt, có cả trường quốc tế. Muốn vậy phải có mục tiêu tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp, cải cách quản trị và nâng cao năng lực tài chính. Và tất nhiên làm được phải nhờ vào điểm mạnh nhất là chiến lược phát triển, đầu tư con người.

Một chương trình hòa nhạc tại Nhà hát Truyền hình Văn Lang

-Được biết VLU nỗ lực tạo dựng một định vị chiến lược khác biệt. Xin ông cho biết sự khác biệt đó?

-Chúng tôi đề ra các mục tiêu: Củng cố vị trí cạnh tranh trong giáo dục trên các lĩnh vực: Phân khúc truyền thống, các ngành chất lượng cao, mảng giáo dục mở rộng theo nhu cầu của thị trường lao động trên cơ sở cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng tôi nỗ lực định vị thương hiệu giáo dục VLU trong nước và khu vực. Từng bước quốc tế hóa với phương châm mang lại hiệu quả kinh tế cho người học ở hệ thống giáo dục VLU.Điều đặc biệt là sự hợp tác quốc tế và doanh nghiệp. Có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phù hợp hỗ trợ cho hợp tác quốc tế. Cung cấp giải pháp cho sinh viên có bằng nước ngoài ở môi trường trong nước.

Đáng chú ý, mục tiêu trong 10 năm nữa, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong 50% trong sinh viên, giảng viên và 20 % lớp giảng dạy bằng tiếng Anh. Văn Lang sẽ có nhiều dịch vụ khác biệt: Dịch vụ chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, có chương trình đào tạo cho đòi hỏi thực tế xã hội như: Y khoa, Điều dưỡng, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ môi trường, …

-Để thực hiện được chiến lược nói trên, trường chắc chắn phải đứng trước rất nhiều thách thức ?

-Đúng vậy! Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo phải trả lời cho được những câu hỏi sau: VLU sẽ được biết đến về điều gì? Văn Lang sẽ định vị như thế nào để tạo ra giá trị cho mình? Những năng lực thiết yếu nào giúp VLU thực hiện được phương thức phát triển bền vững? Có những khoảng trống nào với năng lực hiện tại yêu cầu phải phát triển để đáp ứng cho tương lai? Những sản phẩm và dịch vụ cốt lõi nào VLU cung cấp để phù hợp chiến lược đào tạo và mục tiêu tăng trưởng bền vững?...

- Thưa ông, chiến lược tập trung cho con người của Văn Lang là trang bị tốt cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đó có phải một định hướng từ những ngày đầu?

-Văn Lang hiện có có 5 cơ sở, sau khi thành lập được 2 năm chúng tôi đã tiết kiệm, cổ đông nhận lãi suất thấp để tập trung mua trường sở cơ sở vật chất. Ví dụ, ngôi trường khang trang ở Gò Vấp xây dựng sau 20 năm mới hoàn tất đền bù giải tỏa. Trường theo mô hình hiện đại nhất do kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị nổi tiếng ở Pháp thiết kế. Môi trường xanh, cây xanh tỷ lệ 40% trang bị công nghệ thông tin, có hồ bơi, sân vận động, hội trường lớn đủ đều kiện sinh hoạt, học tập và nghiên cứu khoa học… Chúng tôi cũng đang phát triển một cơ sở khá lớn ở Khu Công nghệ cao tại Hà Nội.

- Thưa ông, khi VLU có những cổ phần lớn, liệu nhà trường có rơi vào tình trạng bị chi phối theo các chiến lược của họ, như rất nhiều trường đã từng xảy ra?

- Không bán trường là chính sách của Văn Lang, ngay từ đầu thành lập chúng tôi đã không cho phép ai mua cổ phần quá 100 triệu đồng, không dùng tiền khuynh đảo “chiếm trường”.

Đến nay, trường còn có chính sách cho cổ phiếu, thưởng hoặc mua cổ phiếu, chuyển nhượng nội bộ không được bán ra ngoài, người lao động cũng là cổ đông làm chủ. Văn Lang là một tập thể của cổ đông và tập thể người lao động. Đó là sự cố gắng phát triển hài hòa, không để bị “tan vỡ” như nhiều nơi khác. Văn Lang luôn chú trọng quyền lợi của học sinh, sinh viên và người lao động. Mục tiêu giáo dục và phục vụ học sinh, sinh viên là quan trọng nhất, đặc biệt chúng tôi cố gắng đem lại quyền lợi cao nhất cho học sinh, sinh viên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-cho-phep-ai-mua-co-phan-qua-100-trieu-dong_t114c8n156357