Không chiến Su-27, Su-30 đấu với F-16 và F-15 - ai thắng?

Báo Mỹ The National Interest đem 'Flanker' Nga ra dọa người Mỹ

Chúng tôi mới gửi đến bạn đọc bài: “Su-35 chuẩn bị giao chiến với F-22 và F-35” (DVO, 28/9/2020) của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov.

Để tiếp tục chủ đề này, xin giới thiệu tiếp một bài khác với một số thông tin có liên quan đến bài viết vừa dẫn với tiêu đề và phụ đề trên cũng của ông. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 16/9/2020.

Tiêm kích Su-27 của Nga

Tiêm kích Su-27 của Nga

Tạp chí tổng hợp The National Interest của Mỹ vừa mới đăng tải bài báo với tiêu đề "Liệu NATO có phải sợ tiêm kích Su-27 và Su-30 Nga không?" trong đó có lời kêu gọi các đồng bào (người Mỹ) của mình phải đặc biệt chú ý đến những máy bay đã cũ của Không quân Chiến thuật Nga.

Nhà bình luận quân sự Charlie Gao (tác giả bài báo trên-ND) có viết rằng sẽ rất sai lầm nếu cho rằng Không quân Nga tạo ra các mối đe dọa đối với các phi công Mỹ chủ yếu chỉ bằng cách sử dụng những máy bay tiêm kích đa năng Su-35S mới tinh của Nga trong các trận không chiến trong tương lai.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, hiện Không quân Nga không có nhiều những máy bay kiểu đó (Su-35S)- vẻn vẹn chỉ có 90 chiếc- so với tới 220 chiếc Su-27, hay còn được đặt tên là “Flanker” theo cách gọi của NATO.

Tuy nhiên, lại cũng sẽ là cực kỳ sai lầm nếu nghĩ rằng hơn hai trăm chiếc "Flanker" này- đều là những chiếc máy bay đã cũ do được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1985. Không, những chiếc máy bay cũ thực sự là những chiếc Su-27 không có các mã số nào đứng sau.

Nhưng cho dù có như thế thì trong các trận cận chiến, nhờ sở hữu khả năng cơ động rất độc đáo, những chiếc Su-27 cũ đó vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những phi công lái những chiếc máy bay tiêm kích F-15 và F-16 được sản xuất với số lượng lớn nhất của Mỹ.

Máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ Mỹ F-16 Fighting Falcon

Tuy nhiên, chúng (Su-27) có những nhược điểm rất nghiêm trọng và các nhược điểm này không cho phép những chiếc máy bay vốn là phiên bản cơ sở của một dòng máy bay Su (tính từ Su-27- Su-30, Su-35- xin xem bài trước) có thể uy hiếp nghiêm trọng các phi công đẳng cấp Ace (phi công xuất sắc) của Không quân Hoa Kỳ.

Điểm yếu trước nhất- đó một radar kiểu cũ rất yếu được trang bị ăng-ten Cassegrain, tức là một bộ "đĩa" cơ khí quay khi quét không gian phía trước máy bay. Cự ly phát hiện mục tiêu tối đa của nó không vượt quá 80-100 km khi bay đón và 30-40 km khi bay đuổi.

Và còn một điểm yếu rất khó chịu nữa đối với “Flanker” – đó là sử dụng một biến thể tên lửa “không đối không” tầm trung R-27 phải được dẫn đường vô tuyến đến mục tiêu.

Có nghĩa là phi công của chiếc Su-27 sau khi đã ấn nút phóng tên lửa vẫn phải liên tục chỉ mục tiêu cho tên lửa bằng chùm tia radara. Thực ra, còn có những tên lửa R-27 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại và radar nổi tiếng hơn.

Và chúng (những tên lửa đó) tỏ ra khá hiệu quả- bằng chứng là ít nhất chúng cũng đã được lắp cho Su-35S.

Nhưng các công trình sư của Phòng thiết kế Sukhoi đã làm việc hết sức miệt mài hiện đại hóa phiên bản cơ sở của Flanker để giúp máy bay có thể “đi cùng thời đại”. Và kết quả- những phiên bản mới rất hiện đại như Su-27SM và Su-27SM3 ra đời và đã được đưa vào trang bị cho Không quân Nga vào giữa những năm 2000.

Đã đạt được một bước tiến khổng lồ về phía trước trong việc hiện đại hóa hệ thống điều khiển vũ khí.

Đã xuất hiện trên “Flanker” radar mới với ăng-ten mạng pha "Zhuk-MF" thực hiện chức năng quét gần như ngay lập tức với cự ly phát hiện mục tiêu lớp máy bay tiêm kích thế hệ 4+ có diện tích phản xạ radar thấp (không phải máy bay tàng hình!)- tới 140 km. Có thể bám đồng thời đến 20 mục tiêu..

Đã xuất hiện thiết bị (màn hình) hiển thị chỉ mục tiêu dưới mũ bay phi công và cả hiển thị những thông tin chiến thuật quan trọng nhất. Trên các máy bay tiêm kích hiện đại, những thiết bị kiểu này không phải là của hiếm, nhưng không hiểu sao máy bay F-22 Raptor thế hệ 5 Mỹ lại không có thiết bị hiển thị như vậy.

Hệ thống định vị quang học đã được tích hợp vào hệ thống điều khiển vũ khí và cho phép phát hiện các mục tiêu trên không mà không cần phải bật radar. Nhờ vậy, tăng được khả năng giữ bí mật cho máy bay, vì hệ thống định vị quang học hoạt động ở chế độ thụ động, không phát ra bất cứ loại sóng nào.

Và còn một điểm rất quan trọng nữa. Lúc ban đầu, Su-27 được chế tạo như một máy bay tiêm kích “thuần chủng”, tức là chỉ để chiếm ưu thế trên không. Nhưng những biến thể mới mới nhất của nó đã được nâng tầm lên một kiểu máy bay khác – đó là thuộc lớp máy bay tiêm kích đa năng.

Có nghĩa là nó vừa có khả năng “quần thảo” với các máy bay tiêm kích của đối phương trên không và vừa có khả năng tiến hành các đòn tấn công bằng tên lửa và bom vào các mục tiêu trên bộ.

Để thực hiện chức năng của một máy bay tấn công, nó được trang bị 3 quả tên lửa “không đối đất” - Kh-29, Kh-31, Kh-59, cũng như bom có điều khiển. Số lượng các móc treo vũ khí đã tăng từ 10 lên 12, và tải trọng tên lửa-bom - tăng từ 6 tấn lên 9 tấn.

Một động cơ AL-31F-M1 mới có lực đẩy ở chế độ tăng tốc bằng 13.500 kgf. Nhờ vậy mà đã làm tăng rất đáng kể tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng của máy bay. Còn một cái “tăng” khác rất có ý nghĩa nữa- đó là tăng cự ly bay - lên đến 3.500 km.

Cần phải nói ngay rằng thực hiện nhiệm vụ không ngừng nâng cao các phẩm chất tác chiến từ biến thể này sang biến thể khác- đó không phải là một chiến lược quá độc đáo nào đó của chỉ riêng Phòng Thiết kế Sukhoi Nga.

Người Mỹ họ cũng biết cách biến những chiếc máy bay, có thể mạnh dạn nói là đồ cổ, thành những máy bay mới khá hiện đại.

Đó chính là số phận của máy bay tiêm kích hạng nhẹ General Dynamics F-16 Fighting Falcon được Tập đoàn GD đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1977. Kể từ đó đến nay, số lượng máy bay F-16 được chế tạo đã cán mốc 5.000 chiếc.

Tất nhiên, một số quốc gia "tiết kiệm” nào đó vẫn còn khai thác một số biến thể đầu tiên của loại máy bay này. Những máy bay thế hệ đầu đó khó có thể tạo ra những giá trị thực sự nào đó trong các trận không chiến.

Thế nhưng những biến thể hiện đại của kiểu máy bay F-16 này đã và đang trực tiếp tham gia vào tất cả các cuộc “xung đột nghiêm túc” lớn nhỏ trên không.

Tất nhiên, các tính năng bay của “Chim ưng chiến đấu” (F-16) không thay đổi quá nhiều trong hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, hệ thống trang thiết bị điện tử hàng không đã có những thay đổi cực kỳ đáng nể.

Đến mức mà radar AN / APG-80 ăng ten mạng pha chủ động đã được lắp cho chiếc máy bay tiêm kích thế hệ 4 này (tức F-16), trong khi đây là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất để chứng minh rằng các hệ thống điện tử hàng không trên máy bay đã đáp ứng được các yêu cầu đối với trang thiết bị cho máy bay tiêm kích thế hệ 5.

Trên F-16E / F Block 60 Desert Falcon, hầu hết tất cả các hệ thống, kể cả radar, đã được “đổi mới”. Tổ hợp tự vệ mới được tăng cường khả năng chống nhiễu, các thuật toán mới được ứng dụng trong tổ hợp tác chiến điện tử, khả năng bảo mật cho kênh truyền dữ liệu số và thoại tăng lên nhiều.

Đồng thời, tất cả các biến thể mới nhất của tên lửa “không đối không” và “không đối đất” đã nhất thiết phải có trong cơ số vũ khí của F-16.

Chính vì vậy, một “cuộc gặp” trên bầu trời trong một trận chiến giữa các Su-27 và F-16 "mới" sẽ không dễ dàng cho cả hai chiếc tiêm kích này. Và chúng tôi (tác giả V. Tuchkov), cũng giống như The National Interest của Mỹ, đều phải thừa nhận rằng chiếc máy bay “cổ lỗ sĩ" Mỹ nói trên là một vũ khí rất đáng gờm.

Và dứt khoát phải nói ra điều này để mọi người cùng biết, vì F-16 – đó là kiểu máy bay có “quân số” lớn nhất trong trang bị của Không quân Chiến thuật Hoa Kỳ.

Trong bài báo của mình, Charlie Gao có đề cập đến việc quá trình hiện đại hóa đã nâng cao được chất lượng tác chiến của các máy bay tiêm kích đa năng Su-30 như thế nào. Máy bay này (Su-30) được phát triển từ Su-27 nói trên.

Hơn nữa, nó lại không quá “cao tuổi”- Su-30 mới được biên chế cho Không quân Nga từ năm 1992.

Điểm đặc biệt của loại máy bay tiêm kích này là nó được bán nhiều cho khách hàng nước ngoài, thêm nữa- đã có những phiên bản được “dân tộc hóa” được sản xuất riêng cho các khách hàng lớn, như : Su-30MKA - cho Algeria (tiếng Nga- Алжир), Su-30MKI (Су-30МКИ) - cho Ấn Độ (tiếng Nga- Индия), Su-30MKM - cho Malaysia tiếng Nga (Малайзия) , Su-30MKK - cho Trung Quốc (tiếng Nga- Китай), Su-30MK2V (Су-30МК2В) - cho Việt Nam (tiếng Nga- Вьетнам), Su-30MK2V (nguyên chữ cái Latinh)- cho Venezuela.

Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Phiên bản hiện đại nhất là Su-30SM- một máy bay tiêm kích đa năng siêu cơ động hai chỗ ngồi có điều khiển véc tơ lực đẩy. Xét về các tính năng bay và thành phần trang thiết bị vô tuyến-điện tử trên máy bay, Su-30SM có phần vượt trội hơn so với phiên bản “đỉnh nhất” của Su-27 là Su-27SM3.

Tuy nhiên, một phiên bản mới là Su-30SM2 sắp thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay, sẽ trở thành một máy bay có chất lượng hơn rất nhiều.

Tuy vậy, do chỉ Su-30 cũng đã có uy tín quá cao trong số tất cả các máy bay của không quân chiến thuật nói chung, nên Bộ Quốc phòng (Nga) đã tuyên bố sẽ mua 46 chiếc máy bay chiến đấu loại này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/khong-chien-su-27-su-30-dau-voi-f-16-va-f-15--ai-thang-3419813/