Không chỉ Việt Nam, Mỹ cũng 'đau đầu' với Uber

'Ngay cả ở Mỹ - nơi Uber khai sinh, cũng lúng túng trong việc kiểm soát nền tảng công nghệ này. Tại Mỹ, mỗi bang lại có quy định khác nhau. New York coi đây là một hãng taxi nên buộc phải tuân thủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, nhưng rốt cục bang này cũng không quản lý được', ông Vũ Tú Thành nói.

Grab và Uber, hai đại diện của mô hình kinh tế chia sẻ đang khiến nhiều cơ quan quản lý đau đầu

Tại Hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” câu chuyện về sự phát triển của kinh tế chia sẻ mà điển hình là cuộc cạnh tranh giữa Uber, Grab và taxi truyền thống, cũng như vấn đề quản lý hoạt động của Uber đã được các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan quản lý thảo luận.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM), nền tảng của nền kinh tế chia sẻ là công nghệ thông tin. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 giúp mô hình kinh tế chia sẻ có được môi trường thuận lợi tạo đà cho sự phát triển bùng nổ như hiện nay.

“Kinh tế chia sẻ hiện nay vô cùng đa dạng về hình thức và dịch vụ như RelayRides, Uber, TaskRabbit, KickStarter, Peer lending… Song ở Việt Nam lại chưa có bất cứ nghiên cứu nào cụ thể về vấn đề này.

Trên thế giới, mỗi quốc gia lại có sự phản ứng khác nhau với mô hình kinh tế chia sẻ, có nơi phản ứng gay gắt cũng có những nơi tạo khung khổ pháp lý và các điều kiện hỗ trợ cho mô hình này phát triển. Ví dụ như Hàn Quốc, Singapore”, bà Tuệ Anh nói.

Theo bà Tuệ Anh, việc xây dựng khung pháp lý để quản lý kinh tế chia sẻ chỉ mới diễn ra từ 2 - 3 năm trở lại đây và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, xu hướng chung là ủng hộ.

Hàn Quốc mới đây đã ban hành thông tư để thúc đẩy, hướng Seoul trở thành thành phố chia sẻ. Các quận tại thành phố này đều phải chịu trách nhiệm phát triển kinh tế chia sẻ và được cấp ngân sách riêng cho việc này. Đồng thời chính quyền cũng đưa ra trung tâm dữ liệu để công bố trực tuyến mọi báo cáo của Chính phủ liên quan tới kinh tế chia sẻ.

Thực tế ở Việt Nam, sự phát triển của kinh tế chia sẻ đang tạo áp lực cạnh tranh đối với cá loại hình kinh doanh truyền thống. Điều dễ nhận thấy nhận hiện nay là mô hình chia sẻ đi xe chung Uber và Grab đang cạnh tranh khốc liệt với loại hình taxi truyền thống, buộc các doanh nghiệp taxi phải thay đổi để tăng sức cạnh tranh.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ về việc quản lý Uber ở Mỹ

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN: “Ngay cả ở Mỹ - nơi Uber khai sinh, cũng lúng túng trong việc kiểm soát nền tảng công nghệ này. Tại Mỹ, mỗi bang lại có quy định khác nhau. New York coi đây là một hãng taxi nên buộc phải tuân thủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, nhưng rốt cục bang này cũng không quản lý được.

San Francisco cởi mở hơn, coi Uber là loại hình vận tải đặc thù. Chỉ có tại Washington, D.C thì Uber mới được coi là một loại hình hoàn toàn mới, thành phố này có các điều khoản riêng đảm bảo địa vị pháp lý cho Uber. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Uber ở đây khá ổn định”.

Còn ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) cho biết: “Mô hình kinh tế chia sẻ còn tồn tại một số hạn chế như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp truyền thống do doanh nghiệp tham gia nền kinh tế chia sẻ không đảm bảo dịch vụ của họ đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Hoạt động kinh tế chia sẻ mang tính tự phát và cá nhân cao nên khó cho cơ quan quản lý kiểm soát nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với xã hội, nghĩa vụ với các đối tượng tham gia. Đặc biệt vấn đề an toàn cho người tiêu dùng rất khó quản lý”.

Song ông Vịnh cũng đánh giá, mô hình kinh tế chia sẻ đã tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung.

Đối với trường hợp của Uber và Grab tại Việt Nam, ông cho rằng các nền tảng công nghệ này mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người dân, vì vậy không nên cấm mà phải tìm cách kiểm soát.

Nguyên Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/khong-chi-viet-nam-my-cung-dau-dau-voi-uber-831588.html