Không chỉ trông chờ vào việc xử phạt...

Thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông dàn hàng ngang hai bên quốc lộ, các tuyến đường hoặc ngay ở phố trong đô thị đi vệ sinh tùy tiện. Gần đây nhất, cư dân mạng chia sẻ video ghi lại việc một phụ nữ đến thăm nhà chủ tại căn hộ tại chung cư Gelexia Riverside (đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hành vi phản cảm tương tự.

Một trong hai người đã sử dụng mũ bảo hiểm che camera an ninh để người còn lại tiểu tiện ngay trong thang máy. Những hình ảnh như vậy gây bất bình dư luận, không chỉ mất vệ sinh chung mà hơn cả cho thấy ý thức quá kém, thậm chí là thiếu văn hóa của một số người. Liên quan đến sự việc, Ban quản lý (BQL) tòa nhà đã xử phạt gia chủ 2 triệu đồng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xử vậy là chưa đúng đối tượng và BQL cũng không phải là chủ thể xử phạt mà phải là cơ quan quản lý Nhà nước... Các quy định hiện hành không qui định và cũng không cho phép việc chịu tội thay; xử lý như vậy không mang tính răn đe với người vi phạm.

Các nước trên thế giới xử phạt hành vi này rất nghiêm khắc, triệt để. Ví như ở Nhật Bản, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị bị xử rất nặng và lực lượng chức năng luôn theo đuổi đến cùng. Ở đây còn có hệ thống camera quan sát vô cùng hiện đại, dù người vi phạm che chắn đến đâu, chỉ cần “mắt thần” quét qua đôi mắt của nghi phạm là đã có thể chỉ đích danh người đó. Người ta cho phép việc chụp ảnh người làm xấu bộ mặt đô thị rồi dán ngay nơi họ vi phạm để cảnh cáo.

Luận ra, ở nước ta, để nâng cao mức xử phạt, từ ngày 1-2-2017, theo Nghị định 155/NĐ-CP, phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Dù mức phạt tăng nặng hơn quy định cũ (từ 200.000 đến 300.000 đồng) nhưng để thực hiện việc phát hiện và xử phạt lại không phải là điều dễ dàng. Hành vi này diễn ra rất nhanh, khó bị bắt "quả tang".

Mặt khác, các phường, xã, thị trấn chưa thể đẩy mạnh việc xử phạt vì lực lượng mỏng. Mỗi đơn vị chỉ có 1 cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường trong khi hành vi phóng uế nơi công cộng, khu dân cư thường lén lút. Như vậy, hiện, biện pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh ngay từ trong gia đình mình, đến đường phố, nơi công cộng vẫn là điều căn bản mang tính bền vững. Mỗi người dân cần ý thức được rằng, hành vi trên không chỉ đáng xấu hổ về mặt đạo đức, lối sống sinh hoạt, mà còn cho thấy sự xem thường các qui định, văn minh của cộng đồng, xã hội; đặc biệt, tại Hà Nội, mấy năm nay, Thủ đô đang tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-chi-trong-cho-vao-viec-xu-phat-153614.html