Không chỉ thịt lợn nhiễm sán gây bệnh, còn nhiều món khoái khẩu khác

Hơn 50 trẻ ở một xã của Bắc Ninh nhiễm sán lợn. Các em được gia đình đưa đi xét nghiệm ký sinh trùng sau khi bếp ăn Trường Mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị cơ quan chức năng phát hiện dùng thịt kém chất lượng. Tuy nhiên, không chỉ món thịt lợn mà nhiều món ăn khoái khẩu của người Việt cũng có nguy cơ nhiễm sán.

 Các ấu trùng sán hình hạt gạo trong thịt lợn bệnh.

Các ấu trùng sán hình hạt gạo trong thịt lợn bệnh.

Bệnh từ lợn nhiễm sán, thịt sống

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, tại nước ta, bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở tất cả vùng miền. Nguyên nhân mắc bệnh liên quan chủ yếu đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội đã tiếp nhận nhiều trường hợp được chẩn đoán bị sán ở não - loại sán có từ lợn. Ths-BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu - cho biết, có người bệnh được phát hiện nhiều ổ sán trong não, mỗi lát cắt chụp CT phát hiện 4 - 5 ổ sán.

Một trong những nguyên nhân nhiễm sán được xác định từ thói quen ăn tiết canh lợn. Mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục ca sán não, nguyên nhân mắc sán có thể do ăn tiết canh, thịt sống…

Còn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương đã từng gặp chùm 8 bệnh nhân cùng bị nhiễm giun xoắn từ lợn. Qua xét nghiệm cho thấy, cả 8 bệnh nhân đều nhiễm ấu trùng giun xoắn từ lợn do ăn chung một nguồn thịt lợn và khả năng thịt lợn chưa qua nấu chín.

Nhiễm giun sán từ nhiều món

Không chỉ thịt lợn nhiễm sán mà nhiều món ăn khác không đảm bảo cũng có nguy cơ nhiễm sán.

Các nghiên cứu cho thấy, nhiều loại cá nước ngọt như cá quả, cá trê, lươn, ếch, sên, ốc,… trong cơ và gan của chúng có chứa nhiều loại ấu trùng giun sán như ấu trùng Gnathostoma gây bệnh giun đầu gai. Bất cứ cơ quan nào của cơ thể cũng có thể bị ấu trùng giun tấn công, với triệu chứng thường gặp là vùng da sưng đỏ, nổi ngứa, ban đỏ. Khi Gnathostoma di chuyển lên hệ thần kinh thì bệnh nhân có thể viêm màng não do ký sinh trùng.

Những loại ốc, cua, tôm là vật chủ trung gian truyền bệnh của bệnh sán lá phổi. Ăn ốc dễ nhiễm sán máng và sán còn xâm nhập cơ thể qua da khi người hoạt động dưới nước. Trong cơ thể, sán máng và trứng sán ký sinh gây tổn thương ở ruột, gan, phổi, tim, não, thận, bàng quang,… có khi gây tử vong.

Hàu sống được ăn tái với chanh hoặc mù tạt. Tuy món hàu sống cung cấp nhiều chất đạm, vitamin, kẽm... cho cơ thể nhưng chúng cũng mang vi khuẩn họ Vibrio gây bệnh tả cho thực khách dùng món này.

Hầu hết giun sán hoặc trứng hay ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nước đun sôi trong thời gian nấu chín hải sản. Do đó, mọi người nên ăn chín, uống sôi để phòng bệnh.

LH (T/h)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/khong-chi-thit-lon-nhiem-san-gay-benh-con-nhieu-mon-khoai-khau-khac-662813.ldo