Không chỉ dừng ở chuyện xây trạm đón taxi

Du khách nước ngoài khi đến Singapore, nếu muốn đón taxi, nhất là ở khu trung tâm tài chính ngân hàng (Central Business District - CBD) hay các khu thương mại và phố mua sắm như Orchard Road, họ phải đến đúng nơi đúng chỗ mà tiếng Anh gọi là Taxi Stand. Tuy nhiên, điều thú vị là rất nhiều du khách và cả cư dân đảo sư tử này, trong đó có tôi, thường không phân biệt với Taxi Stop tức là nơi tài xế taxi được phép thả khách xuống.

Xe tư nhân/đặt qua ứng dụng Grab nếu đậu ở trạm đón taxi sẽ bị phạt 50 đô la Singapore (SGD) cho lần vi phạm đầu tiên và 80 SGD nếu vi phạm lần thứ hai. Ảnh: Một xe taxi Grab đón khách trái phép tại một trạm đón taxi cạnh ga tàu điện Boonlay ở phía Tây Singapore.

Để ngăn chặn tình trạng taxi dừng bừa bãi và gây cản trở giao thông trên những tuyến đường nhiều xe cộ qua lại khu vực CBD, Cục Giao thông đường bộ Singapore (LTA) đã thiết lập các Taxi Stop tại một số điểm được chỉ định dọc theo những con đường này, nơi các tài xế taxi có thể đón khách hoặc cho khách xuống xe trong một số thời điểm giới hạn nhất định. Hành khách tuyệt nhiên không được vẫy đón taxi tại các Taxi Stop mà phải vào các Taxi Stand và xếp hàng chờ tới lượt mình.

Một lưu ý quan trọng khác là xe hơi tư nhân/được đặt qua ứng dụng như Grab hoàn toàn không được đón/chờ/bỏ khách ở Taxi Stand hay Taxi Stop mà chỉ được ghé những điểm gọi là Pick-up hay Drop-off Point. Sự khác biệt của ba “địa danh” này được LTA nêu rõ như bảng dưới bài viết.

Theo quy định nêu trên trang web của LTA, vì sự an toàn của hành khách, của chính tài xế taxi và những người tham gia giao thông khác, tài xế taxi không được phép đón hoặc trả khách dọc theo các trục đường chính trong khu vực CBD hay trạm xe buýt từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, ngoại trừ Chủ nhật và ngày lễ. Để thuận tiện cho hành khách, mỗi trạm đón/dừng taxi và điểm đón/trả khách tại các tuyến đường trong khu vực trung tâm được gán một mã vị trí duy nhất để dễ nhận biết. Hành khách có thể báo cụ thể điểm đón cho các trung tâm đặt xe taxi bằng cách chỉ ra mã địa điểm và đây thực sự là điều tiện lợi cho hành khách đi taxi, nhất là từ khi có các ứng dụng gọi xe như Uber hay Grab (1).

Tại Singapore, trạm đón taxi thường được nghiên cứu đặt ở những tuyến đường hành khách có nhu cầu đi lại cao nhất là gần cổng ra vào các ga tàu điện (MRT). Để dịch vụ taxi ngày càng tốt hơn, LTA định kỳ và thường xuyên tiến hành các cuộc khảo sát tại các trạm đón taxi trong khu vực trung tâm trong các giờ cao điểm nắm bắt và cập nhật thời gian chờ xe trung bình của một hành khách là bao lâu, đồng thời phối hợp với các khách sạn và trung tâm mua sắm để tăng nguồn cung taxi cho khách mua sắm hay lưu trú (2). Theo báo cáo thống kê của LTA, trên toàn lãnh thổ của đảo sư tử hiện có khoảng 270 trạm đón/dừng taxi và điểm đón/trả khách và việc tăng thêm, giảm bớt sẽ tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể sau các khảo sát thực tế.

Những thông tin nói trên có lẽ cũng đáng cho các cơ quan quản lý giao thông ở các thành phố lớn của Việt Nam tham khảo, nhất là cách đây bốn tháng, UBND quận 1 TPHCM có thí điểm tổ chức 5 điểm cố định đón taxi, giống như các Taxi Stand ở Singapore. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như các trạm này không có tác dụng, rất vắng khách chờ xe, và thậm chí có khách chờ xe thì lại không có taxi. Theo nhận định của đại diện Phòng Quản lý đô thị - UBND quận 1, do tâm lý, thói quen người dân là tiện chỗ nào bắt taxi chỗ đó, và cũng rất ít người dân biết về thông tin có điểm đón taxi cố định, nên những điểm đón này khó mà phát huy tác dụng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền và nghiên cứu phương án triển khai, bố trí điểm đón hợp lý để có thể phát huy hiệu quả các điểm dừng đón taxi (3).

Theo thiển ý của tôi, việc thiết lập các điểm đón taxi không thể chỉ dừng lại ở mức thí điểm ở một quận đơn lẻ mà nên triển khai ở cấp độ toàn thành phố, nhất là ở các khu đô thị mới. Một số quan chức Singapore mà tôi đã có dịp gặp gỡ và tiếp xúc trong các buổi chia sẻ kinh nghiệm quản lý cho biết các cơ quan nhà nước Singapore không bao giờ có tư duy “thí điểm” trong các dự án hay chương trình hành động của mình. Nếu điều gì họ tin tưởng là đúng và phục vụ cho lợi ích hay đáp ứng nhu cầu của thị dân thì họ sẽ nghiên cứu thật kỹ lưỡng rồi bắt tay vào làm và thực hiện cho bằng được.

Thật vậy, bốn tháng thật ra cũng chỉ là khoảng thời gian rất ngắn cho một dự án có tầm nhìn xa và cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan ban ngành có liên quan. Các nhà quản lý đô thị của Việt Nam rồi cũng sẽ nhận ra đó không thể đơn thuần là việc xây các trạm đón taxi mà nó sẽ là quá trình xem xét và đánh giá lại quy hoạch đô thị, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực taxi, ứng dụng công nghệ chia sẻ, nhà hàng khách sạn, quảng cáo... Để làm được điều đó, các nhà quản lý đô thị không thể chỉ tham khảo rồi bê nguyên xi mô hình của Singapore vào áp dụng mà cần vận dụng nhuần nhuyễn vào tình hình thực tế trên cơ sở hài hòa quy hoạch không gian đô thị và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) Danh sách trạm đón taxi trong khu CBD https://www.lta.gov.sg/content/dam/ltaweb/corp/PublicTransport/files/list-of-taxi-stands-in-CBD-jul12.pdf

(2) Một khảo sát của LTA về ượng taxi lưu thông vào giờ cao điểm https://www.lta.gov.sg/content/dam/ltaweb/corp/PublicTransport/files/TA_Results.pdf

(3) http://www.sggp.org.vn/diem-don-taxi-co-dinh-e-khach-563180.html

Lê Hữu Huy (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283089/khong-chi-dung-o-chuyen-xay-tram-don-taxi-.html