Không chỉ do cách biệt giàu nghèo

Thế giới hiện đang phải đối diện với một vấn nạn lớn: khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và sự phản kháng của người nghèo đối với các thiết chế xã hội trói buộc họ vào số phận mãi nghèo ngày càng mãnh liệt.

Thiết nghĩ người làm chính sách ở nước ta cũng phải tính đến vấn nạn này và có những chính sách thỏa đáng. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, các phong trào từ thiện, các hỗ trợ xã hội cho người có thu nhập thấp, mặc dù có tác dụng rất tích cực, nhưng không phải là giải pháp căn cơ bởi chúng chưa thể chạm đến gốc rễ của vấn đề.

Như đã nói ở trên, gốc rễ của vấn đề ở bình diện thế giới là các thiết chế xã hội trói buộc con người vào số phận của họ; chẳng hạn xu hướng đóng cửa nhà máy ở các nước phát triển làm nhiều vùng trước đây thịnh vượng giờ bỏ phế hoang tàn. Chính sách xã hội ở những nước này có thể rất tốt nên không ai bị đói, lâm vào cảnh vô gia cư nhưng quan trọng là cảm giác đánh mất sự tự trọng ở những người trước đây tự hào đi làm để nuôi sống gia đình.

Ở nước ta không có hiện tượng đó nhưng vẫn có các thiết chế xã hội khác trói chân người nghèo vào một khuôn mẫu khó thoát. Nói đâu xa, đã có nhiều bài báo cho biết sinh viên ra trường, bỏ nghề chuyển qua chạy xe Grab lại có thu nhập cao hơn bạn cùng lớp nay đi làm đúng nghề nghiệp được đào tạo. Nếu đúng như vậy thì một nền tảng giáo dục đại học đã đánh mất vai trò tạo động lực thăng tiến cho giới trẻ.

Ở nước ta các chính sách khuyến khích kinh tế trước tiên nhắm đến khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau đó là kinh tế tư nhân trong khi trên một phần ba GDP là do kinh tế cá thể, hộ gia đình làm ra, hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ gì đáng kể. Luật lệ, hệ thống thuế, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, đất đai - tất cả đều được thể chế hóa cho doanh nghiệp chứ người làm ăn cá thể vẫn phải chịu sự chi phối, kiểm soát và phân xử rất tùy hứng của cán bộ cấp dưới trong một môi trường đầy nhũng nhiễu, được bôi trơn bằng quan hệ và tham nhũng. Thuế khoán là môi trường thuận lợi cho sự thỏa hiệp. Một thành phần khác, cũng chiếm tỷ trọng rất lớn trong dân cư, là nông dân đang chịu sự chi phối của những chính sách không thuận lợi bằng doanh nghiệp, chẳng hạn thời gian được hưởng quyền sử dụng đất ngắn hơn doanh nghiệp nhiều.

Trong khi chờ đợi một sự rà soát tổng thể mọi chính sách để tạo công bằng, thiết nghĩ nên bắt đầu bằng cách hạn chế cán bộ nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi có thể bị lạm dụng như nhà công vụ, xe công. Nguồn lực chung của Nhà nước như trường công, bệnh viện công không thể để đưa vào sử dụng phục vụ riêng cho một tầng lớp có thu nhập cao, cho dù chỉ là một phần nguồn lực, dưới danh nghĩa chất lượng cao. Cơ hội việc làm trong khu vực công phải mở ra bình đẳng cho mọi thành phần trong xã hội, ở đó chỉ có năng lực là thước đo chứ không phải do quan hệ hay sắp xếp.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284253/khong-chi-do-cach-biet-giau-ngheo-.html