Không chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ trình Quốc hội chuyển đổi hình thức đầu tư 3/8 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền Chính phủ gửi tờ trình báo cáo Quốc hội (QH) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, giai đoạn 2017-2020.

Chuyển đổi ba dự án PPP sang đầu tư công

Sau khi Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH bác đề xuất chuyển đổi tám dự án hoặc năm dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, lần này Bộ GTVT trình ra QH một phương án duy nhất, đó là kiến nghị chuyển đổi ba dự án. Cụ thể, hai dự án cấp bách là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây và dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư.

Theo Bộ GTVT, việc lựa chọn hai dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây bởi vì đây là cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, TP.HCM nên có nhu cầu vận tải rất lớn. Việc ưu tiên đầu tư hai dự án này trước nhằm tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Cạnh đó, hai dự án trên cần nguồn vốn tín dụng lớn, với tình hình hiện nay, nhà đầu tư khó huy động được. “Hai dự án này có nhu cầu vận tải cao, mức tham gia vốn nhà nước thấp nhưng chỉ có 2-3 nhà đầu tư quan tâm. Còn các dự án khác như Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo vốn ngân sách nhà nước chiếm trên 66% thì có từ năm đến chín nhà đầu tư quan tâm…” - Bộ GTVT dẫn chứng.

Ngoài ra, dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây được lựa chọn đảm bảo tính kết nối giao thông liên tục, đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả khai thác. Theo Bộ GTVT, nếu các dự án kết nối không liên tục, dòng xe buộc phải đi vào ra các nút để tới tuyến song hành sẽ giảm tính hấp dẫn, kém thu hút vận tải và có thể gây áp lực lớn lên giao thông nội vùng…

Một điểm nữa cũng được Bộ GTVT lưu ý là dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây chỉ có từ hai đến ba nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, nếu tiến hành đấu thầu thì tính cạnh tranh và tỉ lệ đấu thầu thành công không cao.

Tại tờ trình, Bộ GTVT cam kết hoàn thành các dự án đầu tư công trong năm 2022. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nằm trong tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nằm trong tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Nhà nước sẽ thu phí để hoàn vốn

Cũng trong tờ trình này, Bộ GTVT cho biết năm dự án còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị QH điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

Theo đó, cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỉ đồng (trước đây là 55.000 tỉ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng… Các dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2023.

“Trường hợp các dự án trên khi đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau sáu tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư” - Bộ GTVT cho hay.

Hôm nay Quốc hội cho ý kiến

Dự kiến hôm nay (9-6), QH sẽ nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, giai đoạn 2017-2020.

Liên quan đến dự án này, trong thông báo kết luận phiên họp thứ 45 (ngày 3-6) của UBTVQH cho biết cơ quan này thống nhất chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết từ hình thức PPP sang đầu tư công vì không có nhà đầu tư.

UBTVQH cũng thống nhất lựa chọn thêm hai dự án có ý nghĩa quan trọng cấp bách. “Trên tinh thần đó, UBTVQH cơ bản tán thành với việc chuyển đổi ba dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây…” - kết luận của UBTVQH nêu rõ.

Tuy nhiên, UBTVQH yêu cầu các dự án sau khi được chuyển đổi phải được thực hiện đầy đủ các thủ tục của Luật Đấu thầu và thu phí để thu hồi vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, đại diện Bộ GTVT cho rằng nếu QH đồng ý việc chuyển đổi ba dự án trên thì từ ngày 11 đến 22-7, đơn vị sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến ngày 27-9 sẽ khởi công dự án.

Sau khi dự án hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn hình thức thu hồi vốn của Nhà nước. Có thể Nhà nước sẽ thu phí hoặc bán quyền thu phí. “Đối với các dự án PPP, trong tháng 6 sẽ đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến đến ngày 5-12-2020 sẽ đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng…” - Bộ GTVT cho biết.

Vì sao xin chuyển đổi hình thức đầu tư

Theo Nghị quyết 52/2017 của QH, dự án cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 654 km, gồm 11 dự án thành phần. Trong đó, có ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng.

Tháng 10-2018, Bộ GTVT hoàn thiện các thủ tục đầu tư và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Theo đó, cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 653,6 km với tổng mức đầu tư 102.513 tỉ đồng, tức giảm hơn 16.200 tỉ đồng so với nghị quyết của QH. Nguyên nhân do dự án giảm chi phí dự phòng, cập nhật theo chỉ số giá xây dựng, thay đổi mức lãi suất vốn vay...

Hiện ba dự án đầu tư công đã khởi công. Đối với tám dự án PPP, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án có từ hai nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển. Chỉ dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào.

Căn cứ tình hình thực tế, Bộ GTVT xin chuyển ba dự án PPP sang đầu tư công. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề xuất chuyển cả tám dự án sang đầu tư công. Sau đó, Chính phủ đồng ý chuyển cả tám dự án sang đầu tư công nhưng UBTVQH không đồng ý.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/khong-chi-dinh-thau-du-an-cao-toc-bac-nam-917426.html