Không chỉ COVID-19, dân Hà Nội đối phó các dịch bệnh gì lúc này?

Không chỉ riêng dịch COVID-19, người dân Hà Nội còn đang phải gồng mình đối phó với dịch cúm A/H5N6 xuất hiện trên ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ) hay thời tiết nồm ẩm khó chịu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Chuẩn bị 5000 giường bệnh nhằm đối phó với Covid-19

Hà Nội hiện đã bố trí 5 BV tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị dịch bệnh Covid-19 cho bệnh nhân gồm: BVĐK Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn. BV Đức Giang ngoài khám chữa bệnh cho người lớn còn đảm nhận nhiệm vụ cách ly, theo dõi.

Tránh bị động trong việc theo dõi, cách ly và điều trị Covid-19, Hà Nội đã chủ động lên phương án thành lập BV truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.

Hai địa phương được lựa chọn để thành lập BV dã chiến là Mê Linh và Hoài Đức. ĐH Thành Đô đóng trên địa bàn xã Đức Giang, huyện Hoài Đức sẽ là lựa chọn đầu tiên.

Những căn phòng tại khu kí túc xá ĐH Thành Đô đang được nhà trường làm vệ sinh lại vừa để phòng tránh dịch bệnh, vừa chuẩn bị cho phương án thành lập BV dã chiến của TP.

Ảnh minh họa: Hà Nội Mới.

Ảnh minh họa: Hà Nội Mới.

Trong trường hợp phải thành lập BV dã chiến, cơ sở vật chất của ĐH Thành Đô sẽ đủ sức chứa từ 500 – 700 giường bệnh và đảm bảo khu hậu cần cho hoạt động của BV dã chiến.

Trong trường hợp diễn biến dịch bùng phát mạnh, TP sẽ tiếp tục xây dựng mới BV dã chiến có sức chứa 1.000 giường tại huyện Mê Linh.

Video "Cập nhật 10/2: Số ca tử vong do nhiễm virus corona tăng lên 910". Nguồn: VTC Now.

Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc cách ly các trường hợp người đi từ vùng dịch về lưu trú trên địa bàn, qua rà soát của Sở Y tế và các phường, xã, thị trấn cho thấy, công suất các địa điểm này được khoảng 3.500 trường hợp cách ly đủ chuẩn.

Như vậy, cộng cả số lượng dự kiến của hai BV dã chiến, Hà Nội đang chủ động phòng chống dịch với trên 5.000 giường bệnh.

Cúm A/H5N6: Hà Nội tiêu hủy gần 7.000 con gia cầm

Trước tình hình dịch cúm A/H5N6 xuất hiện trên địa bàn xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội), chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiêu hủy 6.807 con gia cầm của 4 hộ dân có gia cầm ốm.

Để kiểm soát dịch bệnh, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch. Thực hiện rà soát, thống kê, ký cam kết, kịp thời phát hiện, khoanh vùng khống chế, không để lây lan ra diện rộng.

Cán bộ phun khử trùng ở nơi có dịch H5N6. Ảnh: Lao Động.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút…

Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Dân Hà Nội khổ sở vì thời tiết nồm, ẩm

Nền nhà ướt nhẹp, quần áo phơi lâu khô, đồ dùng mốc meo, không khí mờ mịt… là những tình cảnh khó chịu mà người Hà Nội đang phải đối mặt trong những ngày thời tiết nồm, ẩm.

Gần 2 tuần qua, thời tiết miền Bắc luôn trong tình trạng ngoài trời mưa phùn, đường sá trơn trượt, trong nhà ẩm ướt do độ ẩm không khí quá cao khiến người dân phải dùng mọi cách để đối phó với hiện tượng nồm, ẩm.

Trời nồm là do hơi ẩm trong không khí nhiều, cộng với hình thái nhiệt độ ấm. Trong lúc đó, mặt đất, sàn nhà trời lạnh hơn nên xảy ra hiện tượng ngưng kết hơi ẩm. Hiện tượng nồm thường xảy ra theo mùa, nhiều nhất là trong mùa mùa xuân, tuy có thể xuất hiện ít hơn ở các thời điểm giao mùa khác trong năm. Theo các chuyên gia, khi trời nồm, không nên bật quạt, mở cửa vì như vậy không khí ẩm từ bên ngoài bay vào càng nhiều. Nên tăng nhiệt độ trong phòng lên bằng điều hòa, thường xuyên lau nền nhà ướt bằng khăn khô.

Trời nồm khiến hơi nước ngưng tụ, không khí ẩm ướt (tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc... sinh sôi nảy nở) kéo theo hàng loạt các hệ lụy liên quan đến con người và vật dụng, thực phẩm. Biểu hiện dễ nhận thấy và khó chịu nhất của kiểu thời tiết này chính là sàn, tường hoặc trần của những ngôi nhà thấp thường bị ẩm ướt như "đổ mồ hôi"; quần áo giặt lâu khô; sờ vào khăn, chăn, ga, gối, đệm luôn có cảm giác ẩm và mùi hôi; các vật dụng như đồ điện tử dễ hỏng hóc, thực phẩm dễ nấm mốc.

Đối với con người, hiện tượng thời tiết khó chịu này khiến lỗ chân lông bị bí, quá trình bài tiết qua da bị hạn chế, từ đó sinh ra hàng loạt các bệnh như: Đau đầu, mệt mỏi, hen suyễn, tim mạch, các bệnh về khớp, tiêu hóa...

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Tiến, chuyên gia lao và bệnh phổi: Để hạn chế ảnh hưởng xấu của độ ẩm cao, cần có những biện pháp sau để giảm độ ẩm trong không khí. Tốt nhất trong phòng có dụng cụ đo độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức 40 - 60% bằng các biện pháp như: Đóng cửa kính phòng kết hợp với dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô. Khi đun nấu, tắm rửa… làm tăng độ ẩm không khí trong phòng thì cần có quạt thông gió. Song song với các biện pháp điều trị kiểm soát, các bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính cần chú ý tiêm phòng cúm vào mùa thu đông cho những bệnh nhân này.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/khong-chi-covid-19-dan-ha-noi-doi-pho-cac-dich-benh-gi-luc-nay-1341887.html