'Không chỉ có con tàu, chúng tôi đến để xây dựng lòng tin'

Ý kiến của ông Timothy Liston - Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM - trong cuộc gặp gỡ giữa thủy thủ Mỹ với các nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động xã hội của đoàn hải quân tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng.

Ông Timothy Liston - Phó tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM - trong chuyến thăm các nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng. Ảnh: XH

Gặp nạn nhân da cam

Sáng 7.3, thủy thủ tàu sân bay Mỹ đã có chuyến thăm tại trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, cơ sở 3, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng - nơi nuôi dưỡng những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Họ đến với những lời ca tiếng hát, những bàn tay sẵn lòng giúp xoa dịu nỗi đau.

Vừa nhìn thấy những người bạn cao to gấp đôi, gấp ba lần mình, các em nhỏ ở trung tâm vẫy tay rối rít. “Hello, xin chào”, những vị khách cũng bất ngờ quay sang đáp trả cũng bằng chào tiếng Anh, tiếng Việt. Ban nhạc hạm đội 7 với sự nồng nhiệt vốn có, có mặt rất sớm, đem đến những lời ca tiếng hát rộn ràng. Đặc biệt, ca khúc “Nối vòng tay lớn” một lần nữa vang lên. Từng thủy thủ nắm tay các em, những đôi tay lớn nhỏ chạm vào nhau, tiếng cười không ngớt.

Đáp lại sự rộn ràng ấy, các em ở trung tâm lại dành tặng những vị khách món quà rất khác. Mặc áo cờ đỏ sao vàng, các em thực hiện bài múa kí hiệu với ca khúc “Tự nguyện”. Nhiều người xúc động. “Nhiễm chất độc da cam từ cha, mẹ, thậm chí là từ ông bà mình, các em bị hạn chế về ngôn ngữ, vận động. Để có bài múa này, đó là sự nỗ lực rất lớn” - một giáo viên trung tâm cho hay.

Ông Timothy Liston - Phó Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM - rời vị trí đại biểu. Ông bế 1 cậu bé, cho em ngồi lên chân rồi cùng vỗ tay với những người bạn nhỏ. Họ cùng hòa ca bài “Trái đất này là của chúng mình”. Câu hát “màu da nào cũng quý cũng yêu” như chính thông điệp của cuộc gặp gỡ.

Nỗ lực xây dựng niềm tin

Sự kiện tàu sân bay Mỹ ghé thăm hữu nghị Đà Nẵng từ ngày 5-9.3 khiến cả thế giới chú ý, bởi đây là lần đầu tiên, tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975. “Việc hợp tác của 2 nước không chỉ là mang 1 con tàu đến cập cảng mà quan trọng hơn là việc các thủy thủ được đến gần với người dân Việt Nam, cùng kết nối bằng âm nhạc, cùng xây dựng lòng tin lẫn nhau” - ông Timothy Liston - Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM - nói trong cuộc gặp ngày 7.3.

Trong những ngày qua, các thủy thủ Mỹ đã đến thăm các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh nhân tâm thần. Và nay, họ đến với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. “Đây cũng là cách giúp chúng tôi kết nối với người dân Việt Nam, trẻ em Việt Nam. Những hoạt động cộng đồng như thế này sẽ là điều kiện tuyệt vời để 2 nước xây dựng mối quan hệ dựa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, đồng thời hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”- ông Timothy Liston nói.

Đại tá Tô Năm - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố - có mặt tại buổi gặp gỡ cho hay, đây là chuyến thăm lớn nhất mà quân đội Mỹ đến với các em bị nhiễm chất độc da cam tại Đà Nẵng. “Họ đã rất tích cực lao động, giúp đỡ các cháu nâng cao kỹ năng sống, phục hồi chức năng, sinh hoạt vui chơi. Họ là những thanh niên Mỹ ở thế hệ sau chiến tranh đã lâu, cuộc gặp này sẽ giúp họ nhìn lại rõ hậu quả mà chiến tranh gây ra. Tôi hy vọng, họ sẽ thấy có trách nhiệm hơn trong việc hàn gắn những vết thương này. Về phía trung tâm, dù ít hay nhiều, đó cũng là niềm động viên, an ủi”.

THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/khong-chi-co-con-tau-chung-toi-den-de-xay-dung-long-tin-594671.ldo