Khống chế thành công gia tăng dân số nhưng mất cân bằng giới ở nhiều vùng

Bên cạnh những thành tựu như khống chế thành công gia tăng dân số quá nhanh thì vẫn còn thực trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều vùng.

Theo thông tin từ TTXVN, hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt Nam với nam giới là 72,1 tuổi; nữ là 82,3 tuổi; (bình quân là 76,6 tuổi). Theo nhận định của giới chuyên gia, cơ cấu dân số nước ta đã và đang tiếp tục thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020.

Công tác dân số đã có nhiều thành tựu

Công tác dân số đã có nhiều thành tựu

Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những thành tựu như khống chế thành công gia tăng dân số quá nhanh thì vẫn còn thực trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều vùng.

Khống chế gia tăng dân số nhanh

Chia sẻ với TTXVN, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình (Nghị quyết 4), công tác dân số ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng cả về nhận thức và thực hiện.

“Theo thống kê, dân số Việt Nam năm 2018 khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình phù hợp trong thời gian qua. Kết quả đạt được trong công tác dân số thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân” - ông Nguyễn Doãn Tú cho hay.

Khống chế gia tăng dân số nhanh (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của công tác dân số đến năm 2030 được xác định là: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội.

Mất cân bằng giới nghiêm trọng ở nhiều vùng

Hiện nay, trong xã hội vẫn tồn tại một thực tế cách nghĩ trọng nam, khinh nữ. Việc nhiều gia đình muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường” hay làm “trụ cột” trong gia đình vẫn tồn tại, điều đó đã khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên nặng nề, đặc biệt là tại vùng nông thôn, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa. Bình thường, tỷ số này dao động từ 103-107 bé trai tương ứng với 100 bé gái.

Ngay như tại huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Sóc Sơn đã lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Tại huyện Quốc Oai, Mỹ Đức là 117 trẻ trai/100 trẻ gái được sinh ra.

Ông Tạ Quang Huy- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, cùng với những định kiến về giới, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng tăng.

Mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai mà còn dẫn tới tình trạng dư thừa trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự kiến đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Chia sẻ về hoạt động nâng cao chất lượng dân số với báo Đại đoàn kết, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dân số, hiện nay tại Hà Nội nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như: Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề “25 năm sau Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm hiện thực hóa những nội dung đã cam kết”, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ.

Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện 11 hành động ưu tiên được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á - Thái Bình Dương về dân số và phát triển.

Xem thêm video: Những căn bệnh tưởng đơn giản mà nguy hiểm với trẻ (Nguồn: VTC14)

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/khong-che-thanh-cong-gia-tang-dan-so-nhung-mat-can-bang-gioi-o-nhieu-vung-d145667.html