Khống chế thành công bệnh viêm da nổi cục trâu bò

Nhờ thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, đến cuối tháng 2/2021, bệnh viên da nổi cục trên đàn trâu bò ở Thanh Hóa đã được khoanh vùng, khống chế.

 Con bò cái của bà Hưởng bị bệnh viêm da nổi cục đã được chữa khỏi các triệu chứng lâm sàng. Ảnh: Võ Dũng.

Con bò cái của bà Hưởng bị bệnh viêm da nổi cục đã được chữa khỏi các triệu chứng lâm sàng. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Lê Thị Hưởng, tổ dân phố Phú Đông, phường Hải Lĩnh, Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xuất hiện trên con bò cái của gia đình bà vào ngày 3/2. Thấy bò kém ăn, da nổi cục sần sùi, gia đình bà liền báo cho trưởng khu phố. Ngay sau đó, chính quyền địa phương và ngành thú y đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cùng ngày 3/2, cán bộ khu phố, phường và thú y đến lấy mẫu, sau đó kết luận bò bị bệnh VDNC. Hiện con bò cái đã được chữa, tiến triển tốt nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện những chỗ nổi cục mới.

Ngay sau khi bò có triệu chứng lạ, bà Hưởng đã mua vôi bột rải khu vực chuồng trại và các ngõ vào nhà, trong vườn. Không chỉ gia đình bà Hưởng, các hộ dân trong khu phố cũng thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh VDNC.

Ông Trần Lê Hanh, trưởng khu phố Phú Đông cho hay, do nghe thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh VDNC nên các hộ dân trong khu phố rất lo lắng, thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, bệnh lây lan ra một số hộ bên cạnh.

Lãnh đạo phường Hải Lĩnh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin đàn trâu bò có triệu chứng lạ, dù sát tết Tân Sửu nhưng cán bộ các khu phố, phường, cán bộ thú y Thị xã không kể ngày đêm đã đến từng nhà để thu thập thông tin về tổng đàn, điều tra dịch tễ. Đến ngày 4/2, việc điều tra, thu thập thông tin về tổng đàn, tình hình diễn biến dịch bệnh đã được hoàn thành.

Ngày 8/2, sau khi UBND Thị xã Nghi Sơn công bố dịch VDNC trên trâu bò, các biện pháp phòng chống được triển khai quyết liệt hơn.

Người dân phường Hải Lĩnh (Thị xã Nghi Sơn) thực hiện nghiêm túc việc phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại và các quy định về phòng chống dịch. Ảnh: Võ Dũng.

UBND phường Hải Lĩnh thành lập 7 tổ công tác phòng chống dịch đến từng hộ dân để ký cam kết phòng chống dịch; cấm chăn thả trâu bò; tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu bò.

Bốn chốt kiểm soát có sự tham gia của thú y, công an, dân quân tự vệ... được lập tại 3 khu phố xuất hiện bệnh VDNC là Phú Đông, Phú Thịnh và Phú Tây để kiểm soát tình hình vận chuyển, giết mổ gia súc, tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Tính đến cuối tháng 2/2021, toàn phường Hải Lĩnh đã sử dụng trên 6,5 tấn vôi rải ở các tuyến đường; trên 420 lít hóa chất; 15 lít thuốc diệt ruồi để phục vụ công tác phòng chống dịch. Khu vực chuồng trại chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, bãi chăn thả tại các thôn có dịch được phun tiêu độc khử trùng 2 ngày 1 lần; các thôn chưa có dịch phun 3 ngày 1 lần.

Theo thống kê của UBND phường Hải Lĩnh, đến nay toàn phường có 58 con trâu bò bị bệnh VDNC. Trong số này hiện có 49 con được điều trị khỏi các triệu chứng lâm sàng nhưng thi thoảng vẫn phát sinh những cục sần sùi; 9 con đang trong quá trình điều trị và đã tiến triển tốt.

Tính đến cuối tháng 2/2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã cấp cho Thị xã Nghi Sơn trên 2,2 nghìn lít hóa chất; huy động 3 tấn vôi bột và 30 lít thuốc diệt côn trùng phục vụ công tác phòng chống dịch.

Các địa phương có bệnh VDNC duy trì chế độ báo cáo thường xuyên. Địa phương chưa xuất hiện dịch, phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ nông nghiệp phân công lực lượng rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi, lượng trâu bò trên địa bàn, chủ động các phương án phòng chống dịch.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 28/3, bệnh VDNC trâu bò cơ bản được khống chế, 49/58 con trâu bò mắc bệnh cơ bản được chữa khỏi các triệu chứng lâm sàng.

Ông Hiệp đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của UBND phường Hải Lĩnh trong công tác phòng chống dịch dù ở thời điểm phát sinh dịch đã sát Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, VDNC là một bệnh mới, khó tiếp cận nguồn vacxin. Bên cạnh đó, hệ thống cán bộ thú y cơ sở không còn nên công tác phát hiện, báo cáo dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Phường Hải Lĩnh nằm sát QL 1A, nơi có nhiều điểm đổ nước mui cho các xe chở gia súc, gia cầm. Để phòng chống dịch, địa phương này đã yêu cầu các điểm đổ nước mui dừng hoạt động. Theo Nghị quyết HĐND phường Hải Lĩnh, lực lượng thú y cơ sở không còn cũng gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Được biết, tỉnh Thanh Hóa đang làm thủ tục mua 5 nghìn liều vacxin về để tiêm phòng, khống chế dịch VDNC.

Võ Văn Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khong-che-thanh-cong-benh-viem-da-noi-cuc-trau-bo-d285046.html