Không chấp nhận Trung Quốc hòa giải, Thủ tướng Nepal cự tuyệt rút lại lệnh giải tán Hạ nghị viện

Tình hình chính trị ở Nepal bất ổn, tổng thống nước này quyết định giải tán Hạ nghị viện và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Trung Quốc cử đoàn đại biểu sang thuyết phục, hòa giải nhưng không thành công.

 Người Nepal biểu tình phản đối giải tán quốc hội hôm 20/12 (Ảnh: AP).

Người Nepal biểu tình phản đối giải tán quốc hội hôm 20/12 (Ảnh: AP).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 30/12 dẫn nguồn truyền thông Ấn Độ tiết lộ thông tin nội bộ cho biết, ông Quách Nghiệp Châu, Phó Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tới hòa giải, nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng chính phủ của Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli rút lại lệnh giải tán quốc hội, nhưng ông Sharma Oli đã từ chối đề nghị của phái đoàn Trung Quốc và kiên trì lập trường của mình.

Thủ tướng Nepal Sharma Oli ngày 20/12 đã quyết định giải tán quốc hội, gây nên cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục lan rộng. Ông Quách Nghiệp Châu,Phó Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến Kathmandu vào ngày 27/12 để thực hiện hòa giải, hy vọng tránh được sự chia rẽ của Đảng Cộng sản Nepal (NCP) cầm quyền.

Theo báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 29/12, phái đoàn Trung Quốc do ông Quách Nghiệp Châu dẫn đầu đã tiếp xúc với lãnh đạo Đảng Cộng sản Nepal vào ngày 28/12, nhằm thúc đẩy hòa bình giữa hai phái đối lập trong đảng cầm quyền.

Được biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Quách Nghiệp Châu phải tăng cường nỗ lực của Đại sứ Trung Quốc tại Nepal Hầu Diễm Kỳ để giữ cho Đảng Cộng sản Nepal nguyên vẹn.

Ông Quách Nghiệp Châu, Phó Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, người tới Nepal hòa giải không thành (Ảnh: THX).

Vào ngày 27/12, ông Quách Nghiệp Châu đã gặp Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari và Thủ tướng Sharma Oli. Văn phòng Tổng thống Nepal không tiết lộ chi tiết thêm ngoài việc xác nhận có cuộc gặp giữa phái đoàn Trung Quốc và Tổng thống Bhandari.

Theo Hindustan Times, Thủ tướng Sharma Oli được cho là không muốn tiếp xúc với đoàn Trung Quốc. Trước đó ông đã chỉ trích sự can thiệp của Đại sứ Trung Quốc Hầu Diễm Kỳ, nhưng ông Sharma Oli vẫn gặp phái đoàn Trung Quốc vào tối ngày 27/12. Theo báo chí địa phương, cuộc gặp kéo dài trong hai giờ.

Ngày 28, phái đoàn của Quách Nghiệp Châu đã đi xe đến dinh thự của cựu Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal ‘Prachanda’, để thảo luận về phương án ngăn chặn sự chia rẽ trong Đảng Cộng sản Nepan. Ông Kamal Dahal hiện đang lãnh đạo phái đối lập trong Đảng Cộng sản Nepal. Ông Quách Nghiệp Châu cũng đã gặp một cựu thủ tướng khác là Madhav Nipal, người liên minh với ông Prachanda.

Giới quan sát Nepal cho rằng, ông Tập Cận Bình hy vọng chính phủ Sharma Oli sẽ rút bỏ lệnh giải tán quốc hội và đề xuất sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các phe đối lập do Kamal Dahal và Nipal đứng đầu để nhượng bộ tổng thống và cho phép ông Sharma Oli hoàn thành nhiệm kỳ thủ tướng 5 năm của mình.

Cảnh sát giải tán cuộc biểu tình hôm 20/12 (Ảnh: AP).

Tin cho biết, ông Sharma Oli đã cự tuyệt đề nghị của phái đoàn Trung Quốc và kiên trì lập trường của mình, nói rằng ông đồng ý với quyết định của Tòa án Tối cao và tuân theo lệnh của tổng thống.

Theo Hãng thông tấn Nepal Himalayan News Service, trong những tháng gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần cử người lãnh đạo đến Nepal nhiều lần để giải quyết bất hòa trong nội bộ Đảng Cộng sản Nepal.

Theo tờ Eurasia Times của Ấn Độ ngày 29/12, tại Kathmandu đã nổ ra một cuộc biểu tình chống lại phái đoàn Trung Quốc vào ngày 28. Các đảng đối lập Nepal đã đưa ra các khẩu hiệu như "Trung Quốc chấm dứt can thiệp" và "Trả lại đất đai Nepal bị chiếm đóng cho Nepal"...

Thủ tướng Nepal Sharma Oli ngày 20 tháng 12 đã yêu cầu giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội sớm để tránh chuyển giao quyền lực cho các đối thủ chính trị của mình theo thỏa thuận chính trị đã đạt được vào năm 2017. Động thái này khiến Nepal rơi vào tình trạng khủng hoảng hiến pháp.

Tổng thống Nepal Bhandari đã tuyên bố giải tán quốc hội theo đề xuất của cuộc họp nội các do Thủ tướng Sharma Oli đệ trình, đồng thời nêu rõ cuộc bầu cử Hạ viện sẽ được tổ chức theo hai giai đoạn vào ngày 30/4 và 10/5/2021.

Về phản ứng chính thức của Bắc Kinh trước thông tin này; tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều ngày 28/12, một phóng viên Ấn Độ đã đặt câu hỏi: “Một phái đoàn do Phó ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu đang thăm Nepal, trùng hợp với việc phát sinh bất hòa trong nội bộ Đảng Cộng sản Nepal. Mục đích của phái đoàn này đến thăm Nepal là gì?”.

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời: năm nay đánh dấu kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nepal. Đoàn đại biểu Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm Nepal với mục đích trao đổi với Nepal về các chủ đề cùng quan tâm như phòng chống dịch bệnh, quản lý điều hành đất nước và hợp tác phát triển; đồng thời làm sâu sắc hơn nữa sự giao lưu và hợp tác giữa các chính đảng Trung Quốc và Nepal.

Bà Hầu Diễm Kỳ, Đại sứ Trung Quốc tại Nepal (Ảnh: Twitter@Ambassador).

Ông Triệu Lập Kiên chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn giữ vững các nguyên tắc của quan hệ đảng như độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn cùng với các đảng phái chính trị ở Nepal thúc đẩy sự phát triển không ngừng mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác Trung Quốc - Nepal theo định hướng phát triển và thịnh vượng từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước.

Trước đó, báo Hindustan Times dẫn lời các nhà quan sát Nepal nói, Trung Quốc ban đầu ủng hộ ông Sharma Oli, nhưng đã lặng lẽ thay đổi sách lược vào năm 2020 với ý định hy sinh ông. Sharma Oli nói với Đại sứ Hầu Diễm Kỳ rằng ông có khả năng giải quyết mọi tranh chấp trong nội bộ đảng mà không cần đến sự can thiệp của nước ngoài. Tuy nhiên, bà đại sứ Trung Quốc tiếp tục âm thầm can thiệp vào công việc nội bộ của Nepal, không chỉ bí mật giúp ông Kamal Dahal làm suy yếu quyền lực của ông Sharma Oli mà còn tham gia vào âm mưu kéo ông xuống và để Phó Thủ tướng Nepal Bamdev Gautam lên thay thế.

Ông Sharma Oli là Chủ tịch của Đảng Cộng sản Nepal - đảng chính trị lớn nhất đang cầm quyền tại Nepal. Đảng Cộng sản Nepal được chính thức thành lập vào tháng 5/2018 trên cơ sở sáp nhập Đảng Cộng sản Nepal (Marxist Leninist) do ông Sharma Oli lãnh đạo và Đảng Cộng sản Nepal (Maoist) do cựu Thủ tướng Puspa Kamal Dahal đứng đầu. Gần đây, cuộc đấu tranh giữa hai phe trong đảng này ngày càng gay gắt.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khong-chap-nhan-trung-quoc-hoa-giai-thu-tuong-nepal-cu-tuyet-rut-lai-lenh-giai-tan-ha-nghi-vien-post141639.html