Không chấp nhận kháng cáo yêu cầu thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa ban hành quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với bản án hành chính sơ thẩm số 197/2019/HCST ngày 14-12-2018 của TAND TP Hà Nội.

Như vậy, Bản án sơ thẩm 197/2019/HCST đã chính thức có hiệu lực pháp luật. Trước đó, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế, yêu cầu hủy Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11-10-2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT “Về việc thu hồi bằng Tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế, trường ĐH Kinh tế quốc dân”.

Đây là vụ án hành chính mà người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, thuộc ĐH Kinh tế quốc dân; người bị kiện là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Vụ án bắt nguồn từ việc Bộ GD&ĐT thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Quế. Theo đó, ngày 11-10-2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT thu hồi bằng Tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế với lý do, ông Quế sao chép 52,5/159 trang luận án từ luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng.

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm.

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm.

Cho rằng, mình không “đạo luận văn”, ông Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và khẳng định, Quyết định số 4674/ QĐ-BGDĐT là văn bản trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Người khởi kiện nêu quan điểm, Quyết định trên được ban hành căn cứ vào kết luận 1254/KL-BGDĐT mà theo ông, Kết luận số 1254 là văn bản trái pháp luật, không phù hợp với tình tiết khách quan của sự việc. Người khởi kiện khẳng định, luận án tiến sĩ, đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” là công trình nghiên cứu của ông, có tham khảo và kế thừa rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó có luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế…

Quá trình giải quyết vụ việc, ông Hoàng Xuân Quế đề nghị Bộ GD&ĐT đưa ra cuốn luận án tiến sĩ gốc mà ông đã nộp về Bộ GD&ĐT trước và sau khi bảo vệ luận án, để xem xét. Nhưng như trình bày của người khởi kiện, Bộ không đưa ra được cuốn luận án này. Quá trình thu thập tài liệu, Bộ GD&ĐT căn cứ vào quyển luận án được cho là của ông Quế nộp tại Thư viện Quốc gia và quyển luận án lưu tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, để đánh giá. Ông Quế không chấp nhận các cuốn luận án này, do không có chữ ký cam đoan của mình trên phần cam đoan (là yêu cầu bắt buộc). Vì lẽ đó, người khởi kiện yêu cầu TAND TP Hà Nội hủy Quyết định 4674/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, bồi thường thiệt hại về danh dự và tài sản do quyết định gây nên cho mình.

Sau nhiều lần tạm hoãn và tạm đình chỉ, ngày 10-12, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa này. Tại tòa, ông Quế tiếp tục giữ quan điểm về việc không có hành vi sao chép luận án. Trong khi đó, đại diện của Bộ GD&ĐT quả quyết, người khởi kiện đã "đạo văn" và việc thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là có cơ sở. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện, luật sư Nguyễn Thị Ánh Tuyết khẳng định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 4674/QĐ-BGDĐT thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là có cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý vững chắc.

Theo luật sư, tổ xác minh của Bộ GD&ĐT xác định, mức độ sao chép (hoàn toàn giống nhau về nội dung) giữa cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang. Ở phần tài liệu tham khảo, ông Hoàng Xuân Quế hoàn toàn không nhắc tới cuốn luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế. Với hành vi sao chép như vậy, luận án của ông Hoàng Xuân Quế không được coi là công trình khoa học hoàn chỉnh và gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn.

Phát biểu quan điểm, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, yêu cầu khởi kiện của ông Quế có cơ sở nên đề nghị TAND TP Hà Nội chấp nhận một phần, hủy Quyết định 4674/QĐ-BGDĐT nhưng đình chỉ yêu cầu về bồi thường thiệt hại.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-chap-nhan-khang-cao-yeu-cau-thu-hoi-bang-tien-si-cua-ong-hoang-xuan-que-143090.html