Không chấp nhận cơ sở đại học kém chất lượng

Như đã thông tin, Bộ GDĐT vừa công bố kết luận thanh tra tại một số trường đại học (ĐH). Kết luận thanh tra đã chỉ ra có 2 trường ĐH xé rào tuyển sinh năm 2019 không đúng quy định. Trong đó việc thanh tra đột xuất tại Trường ĐH Điện lực được tiến hành từ giữa tháng 7, sau khi Bộ GDĐT nhận một số đơn thư tố cáo của cán bộ, giảng viên nhà trường và thông tin phản ánh dấu hiệu sai phạm từ báo chí.

 Thanh tra Bộ GDĐT vừa chỉ ra nhiều sai phạm trong tuyển sinh tại Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

Thanh tra Bộ GDĐT vừa chỉ ra nhiều sai phạm trong tuyển sinh tại Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

Từ những sai phạm đã được chỉ ra, dư luận cũng đang mong Bộ GDĐT sớm công bố kết quả thanh tra của các trường ĐH đã được tiến hành trước đó. Đồng thời sớm tổ chức rà soát thanh tra tổng thể tại các cơ sở đào tạo hiện nay.

Thanh tra những trường có điểm sàn thấp

Trước đó, từ cuối tháng 7/2019, Bộ GDĐT cho biết sẽ tiến hành thanh tra 4 trường gồm ĐH Nội vụ, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Hùng Vương TPHCM, ĐH Bạc Liêu liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2019. Đợt thanh tra này bắt đầu từ ngày 1/8 và kéo dài trong vòng 1 tháng. Dẫu thế, từ đó đến nay kết quả thanh tra vẫn chưa được công bố chính thức.

Với 4 trường ĐH nói trên, khi ấy ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho hay, nội dung thanh tra sẽ tập trung vào việc xây dựng và công khai đề án tuyển sinh của các trường, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh. Nguyên tắc chọn trường thanh tra là những trường có điểm sàn thuộc vào loại thấp nhất.

Năm 2019, nhiều trường ĐH, phân hiệu trường ĐH trên cả nước công bố mức điểm sàn xét tuyển đầu vào năm học 2019 thấp, có những trường ĐH lấy mức điểm sàn khá thấp chỉ từ 12 - 14 điểm, trong đó có các 4 trường ĐH nêu trên. Cụ thể, ĐH Nội vụ Hà Nội có điểm sàn xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 dao động 13,0 đến 17,0 điểm. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TPHCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12,0; 12,5; 13,0 điểm và 2 ngành Lưu trữ học và Luật có tổ hợp xét tuyển lấy từ 14,0 điểm. Tại Trường ĐH Bạc Liêu, trừ các ngành đào tạo giáo viên, hầu hết các ngành bậc ĐH năm nay có điểm sàn xét tuyển 13,0 điểm; riêng 2 ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12,0 điểm. Còn Trường ĐH Lâm nghiệp rất nhiều ngành có điểm sàn xét tuyển chỉ từ 13,0 điểm... Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cũng có nhiều ngành có điểm sàn dưới 13.

Ông Bằng cho rằng, việc đặt điểm sàn bao nhiêu là quyền của các trường, nhưng Bộ GDĐT có trách nhiệm kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường, cách xây dựng đề án, công khai đề án, thực hiện đề án ra sao. Động thái kiểm tra này là cần thiết để đảm bảo lợi ích của người học.

Minh bạch trong đào tạo

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), năm 2019 Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp; sẽ xử phạt thật nghiêm đối với các trường vi phạm, công khai thông tin để dư luận và người học đánh giá, lựa chọn. Bà Phụng cho rằng, điểm sàn thấp đồng nghĩa với chất lượng đầu vào thấp, song không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nhưng mặt khác, cũng phải xác định giáo dục ĐH là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.

Dẫu thế, từ trường hợp của Trường ĐH Đông Đô xảy ra mới đây, dư luận cũng đặt nhiều nghi vấn về việc thanh tra hình thức lâu nay. Bởi cho dù Bộ GDĐT đã thường xuyên thanh tra giám sát, nhưng qua vụ việc sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, thì rõ ràng những sai phạm này chưa được phát hiện sớm. Giờ đây yêu cầu công khai tuyển sinh thể hiện giữa việc nói và làm của các cơ sở đào tạo với xã hội, với người học. Với xu thế tự chủ, việc công khai và minh bạch thông tin lại càng quan trọng. Kiểu “công khai nửa vời” như hiện nay đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng.

Theo các chuyên gia giáo dục, rất cần một cuộc rà soát tổng thể quá trình tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH. Về điều này, trước thềm năm học mới 2019- 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra trực trạng, nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu… Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “hữu danh vô thực”; trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài, không chấp nhận tình trạng chất lượng giáo dục ĐH thấp; kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém; chỉ đạo khắc phục bất cập trong hệ thống giáo dục ĐH, có lộ trình bước đi rõ ràng hơn…

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/khong-chap-nhan-co-so-dai-hoc-kem-chat-luong-tintuc448750